Những nội dung mới về Thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi

Nguyễn Văn Phụng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính)

(Tài chính) Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Luật Thuế TNCN sẽ được chính thức áp dụng từ ngày 01/07/2013. Dưới đây là một số điểm mới của Luật thuế quan trọng này.

Quốc hội đã sửa 6 điều trong tổng số 35 điều của Luật thuế TNCN số 04/2007. Nguồn:Internet
Quốc hội đã sửa 6 điều trong tổng số 35 điều của Luật thuế TNCN số 04/2007. Nguồn:Internet

Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh qua 4 năm thi hành Luật thuế TNCN và từng bước triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, tại Luật số 26/2012, Quốc hội đã sửa 6 điều trong tổng số 35 điều của Luật thuế TNCN số 04/2007. Những điểm mới của Luật thuế TNCN số 26/2012 như sau:

Một là, giảm mức đóng góp thuế của cá nhân thông qua việc nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng từ 1,6 triệu đồng/tháng/người lên mức 3,6 triệu đồng/tháng/người (khoản 4, điều 1, Luật số 26/2012). Ví dụ: Một cá nhân có 01 người phụ thuộc, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, trước đây nộp thuế 220 nghìn đồng/tháng thì nay sẽ không phải nộp; với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng, trước đây nộp thuế 690 nghìn đồng, nay chỉ phải nộp 120 nghìn đồng/tháng.

Hai là, quy định cụ thể các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp được loại trừ, không phải tính thuế (khoản 1, điều 1 Luật số 26/2012) như: trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động; trợ cấp không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.

Ba là, khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành Quỹ hưu trí tự nguyện thông qua 2 cơ chế: (i) Cho phép cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương tiền công được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện theo mức do Chính phủ quy định (khoản 5, điều 1 Luật số 26/2012); và (ii) Miễn thuế đối với khoản tiền lương hưu mà cá nhân sẽ nhận được từ  Quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng (khoản 2, điều 1 Luật số 26/2012).

Bốn là, quy định rõ hơn về thu nhập chịu thuế đối với chuyển nhượng bất động sản, theo đó thu nhập của cá nhân về chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức đều phải tính thuế (khoản 1, điều 1 Luật số 26/2012).

Năm là, phù hợp với việc sửa đổi Luật Quản lý thuế, nay sửa đổi quy định về trách nhiệm kê khai, khấu trừ thuế của tổ chức chi trả thu nhập, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin, khai thu nhập và người phụ thuộc đồng thời giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định về mức khấu trừ thuế thu nhập phù hợp với từng loại thu nhập, quy định về quyết toán thuế (khoản 6, điều 1, Luật số 26/2012). Trên cơ sở quy định của điều luật, các thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan trả thu nhập trong khấu trừ, khai thuế sẽ được cụ thể hóa tại Nghị định của Chính phủ.

Có thể nói, kiên trì mục tiêu dài hạn của thuế TNCN, có tính đến thực tiễn hiện nay và những năm tới, Luật số 26/2012 thể hiện tinh thần khoan thư sức dân, nâng cao tính minh bạch của chính sách, giảm thiểu các thủ tục đồng thời với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý thuế; tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các định chế tài chính mới tham gia vào chương trình bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới.