Những quy định mới về chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Ngày 26/9/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

Những quy định mới về chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ
Nhiều quy định mới về chất lượng trang sức vàng. Nguồn: internet
Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 01/6/2014 và được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ, kinh doanh mua, bán vàng miếng (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng).

Thông tư 22 quy định các tổ chức cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng phải thực hiện các yêu cầu về đo lường như sau: Thứ nhất, cân được sử dụng để xác định khối lượng vàng hoặc hàm lượng vàng trong mua, bán giữa các tổ chức, cá nhân phải có: Phạm vi đo và độ chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo; Mức cân phải có giá trị độ chia điểm phù hợp với quy định tại Thông tư 22; Cân cần được kiểm định tại tổ chức kiểm định được công nhận hoặc chỉ định theo quy định pháp luật về đo lường, chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) phải còn thời hạn giá trị.

Thứ hai, quả cân hoặc bộ quả cân được sử dụng kèm với cân để xác định khối lượng vàng trong mua bán hoặc để định kỳ kiểm tra cân phải đảm bảo yêu cầu: Có khối lượng danh định và độ chính xác phù hợp với cân được sử dụng kèm hoặc cần kiểm tra; Phải được kiểm định tại tổ chức kiểm định được chỉ định hoặc tổ chức được công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo theo quy định pháp luật về đo lường; chứng chỉ kiểm định phải còn thời hạn giá trị.

Thứ ba, khối lượng vàng trong mua, bán với tổ chức, cá nhân hoặc trong thanh tra, kiểm tra không được nhỏ hơn khối lượng công bố. Giới hạn sai số của kết quả phép đo khối lượng vàng phải đảm bảo yêu cầu quy định tại Thông tư 22.

Thứ tư, cân phải được người sử dụng tự kiểm tra ít nhất một tuần một lần.

Theo Thông tư 22, vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Đồng thời, Thông tư 22 quy định rõ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng.

Trong đó, “hàm lượng vàng” hay còn gọi là tuổi vàng là thành phần phần trăm (%) tính theo khối lượng vàng có trong thành phần chính của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ; “độ tinh khiết” là số phần của kim loại vàng (tính theo khối lượng) trong một nghìn (1000) phần của hợp kim vàng; “Kara” là số phần của kim loại vàng (tính theo khối lượng) trong hai mươi bốn (24) phần của hợp kim vàng; “vàng tinh khiết” là kim loại vàng có độ tinh khiết lớn hơn 999 phần nghìn (‰) tính theo khối lượng.

Khi thực hiện phân hạng theo Kara thì vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo hạng thấp hơn liền kề với giá trị Kara thực tế (ví dụ vàng trang sức 19,5K thì xếp vào loại vàng 19K); trường hợp phân hạng theo độ tinh khiết hoặc hàm lượng vàng thì giá trị công bố phải đúng với giá trị thực tế (ví dụ hàm lượng vàng là 87,0% thì công bố là 87,0% hoặc 870).

Thông tư 22 cũng có quy định về phân loại vàng trang sức, mỹ nghệ khi vàng này có nhiều hơn một bộ phận chính là hợp kim vàng; việc sử dụng kim loại nền bằng hợp kim khác với hợp kim vàng để tăng cường độ bền cơ lý; việc sử dụng vật liệu phủ bằng kim loại (khác với vàng) hay phi kim loại với mục đích trang trí, việc yêu cầu công bố khi sử dụng vật liệu hàn không phải là hợp kim vàng hoặc thay thế bằng keo dán, sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ nếu có sử dụng vật liệu nhồi hoặc làm đầy chỗ trống, sản phẩm không được làm toàn bộ từ hợp kim vàng.

Đặc biệt, Thông tư 22 quy định thành phần của vàng trang sức, mỹ nghệ không được chứa các thành phần độc hại hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép theo quy định hiện hành.

Thông tư 22 quy định vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã có công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn.