Pháp nhân thương mại phải nộp tiền ra sao để bảo đảm thi hành án?

PV.

Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Nghị định số 115/2017/NĐ-CP ngày 16/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo quy định của Nghị định số 115/2017/NĐ-CP, việc nộp tiền để bảo đảm thi hành án, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp chỉ được thực hiện trên cơ sở quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Việc nộp tiền, tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền pháp nhân thương mại đã nộp để bảo đảm thi hành án phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do Nghị định này quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án, tiền được nộp để bảo đảm thi hành án là tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ thuộc sở hữu hợp pháp của pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tiền nộp để bảo đảm thi hành án gồm có tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền và tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.

Nghị định số 115/2017/NĐ-CP cũng quy định rõ mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như sau:

Thứ nhất, nếu điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó.

Thứ hai, nếu trong điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án có thể áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường. Mức tiền nộp được quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định. 

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về việc áp dụng biện pháp buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án, pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp này phải hoàn thành việc nộp tiền.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền để bảo đảm thi hành án đúng hạn thì thời hạn này được tính lại kể từ khi lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không còn nữa.
Việc nộp tiền để bảo đảm thi hành án có thể được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản hoặc nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra hoặc cơ quan thi hành án dân sự mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan tài chính trong quân đội.
Trường hợp pháp nhân thương mại nộp tiền bằng ngoại tệ thì khi nộp tiền phải căn cứ vào tỷ giá hối đoán của liên ngân hàng tại thời điểm nộp tiền giữa Việt Nam đồng và ngoại tệ đó để nộp một khoản ngoại tệ tương ứng với mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.
Ngoài ra, Nghị định số 115/2017/NĐ-CP cũng quy định rõ về việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án.