Phê duyệt Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo

PV.

Ngày 9/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 174/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo giai đoạn 2017 – 2020”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Đề án, đối tượng được đào tạo là công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ; Ban (Phòng) Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; Phòng Nội vụ.

Cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo của các ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban Dân vận; cán bộ làm công tác tôn giáo thuộc lực lượng công an, quân đội. Cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác tôn giáo ở cấp cơ sở: Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.

Mục tiêu của Đề án là bồi dưỡng kiến thức cơ bản và chuyên sâu về tôn giáo; kỹ năng, nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; cập nhật, nâng cao kiến thức về tôn giáo hàng năm cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; bồi dưỡng kỹ năng thực tế xử lý các vụ việc tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo.

Đề án phấn đấu thực hiện bồi dưỡng khoảng 25.700 lượt cán bộ, công chức; trong đó, tối thiểu 95% công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; tối thiểu 95% cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo của ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ làm công tác tôn giáo thuộc lực lượng công an, quân đội; tối thiểu 90% cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác tôn giáo ở cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, Quyết định số 174/QĐ-TTg nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động bồi dưỡng công tác tôn giáo.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hàng năm và tổ chức thực hiện bồi dưỡng.

Thứ ba, xây dựng chương trình, tài liệu, hình thức, phương pháp bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp quản lý, địa bàn quản lý, đặc thù của từng loại tôn giáo.

Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên.

Thứ năm, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác tổ chức, giảng dạy.