Phí thẩm định điều kiện kinh doanh về kiểm định an toàn lao động

PV.

Ngày 11/11/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 245/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2017, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.

Biểu mức thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được ban hành kèm theo Thông tư 245/2016/TT-BTC, cụ thể như sau:

Phí thẩm định điều kiện kinh doanh về kiểm định an toàn lao động - Ảnh 1

Theo Thông tư, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thẩm định cấp, cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là tổ chức thu khoản phí.

Các tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ.

Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.

Thông tư cũng quy định về quản lý và sử dụng phí, cụ thể như sau:

Trường hợp, tổ chức thu phí là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì được phép trích 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ. Nộp 10% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Đối với tổ chức thu phí là Cục An toàn lao động, Cục An toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, Cục Viễn thông, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Đăng kiểm, Cục Quản lý môi trường y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì được chia làm hai trường hợp:

Một là, tổ chức thu phí nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước trừ trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Hai là, tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định là: Cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP) thì được phép trích lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ, 10% còn lại sẽ nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.