Quản lý chặt chẽ giá tính thuế hàng nhập khẩu

PV.

(Tài chính) Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 29 /2014/TT-BTC hướng dẫn cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra trị giá tính thuế hàng nhập khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo đó, khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra toàn bộ các tiêu chí ghi trên tờ khai hải quan nhập khẩu, tờ khai trị giá do người nhập khẩu khai báo như tên hàng, chi tiết ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá, phù hợp với các tiêu chí trên tờ khai trị giá.

Theo quy định, đơn vị tính phải được định lượng rõ ràng theo đơn vị đo lường phù hợp với tính chất loại hàng. Trường hợp không định lượng được rõ ràng thì phải tiến hành quy đổi tương đương và phải thống nhất với đơn vị tính của hàng hóa có cùng mã số quy định tại Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Cơ quan hải quan có nhiệm vụ yêu cầu người khai hải quan khai làm rõ thêm thông tin về hàng hóa nếu tên hàng, đơn vị tính không được khai báo cụ thể, rõ ràng, không định lượng được theo quy định và kiểm tra tính chính xác của hồ sơ và tính phù hợp của các chứng từ liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế.

Khi phát hiện có một trong những mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ; về nguyên tắc và trình tự áp dụng các phương pháp xác định trị giá tính thuế, cơ quan hải quan có quyền bác bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá tính thuế và ban hành Thông báo trị giá tính thuế (mẫu số 4 kèm theo Thông tư này), đồng thời tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan hải quan có thẩm quyền kiểm tra trị giá tính thuế sau khi hàng hóa đã thông quan đối với hồ sơ hải quan, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hàng hóa được thông quan đến ngày thông báo kiểm tra (Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nằm trong Danh mục quản lý rủi ro về trị giá có nghi vấn và không thuộc đối tượng phải tham vấn theo quy định tại Điều 22, Điều 24 Thông tư này; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nằm trong Danh mục quản lý rủi ro về trị giá có nghi vấn.)

Thông tư trên cũng quy định, cơ quan hải quan được kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan chuyển; các trường hợp có nghi vấn về hồ sơ, chứng từ hoặc mức giá khai báo do các đơn vị nghiệp vụ chuyển; các trường hợp đã qua tham vấn nhưng vẫn còn nghi ngờ về hồ sơ, mức giá khai báo do đơn vị tham vấn chuyển; Kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch để thẩm định sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp;

Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về trị giá do kiểm tra sau thông quan thu thập được hoặc do đánh giá mức độ rủi ro theo mặt hàng, theo doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu cũng được kiểm soát chặt chẽ tại doanh nghiệp hoặc thực hiện kiểm tra sau thông quan về trị giá theo chuyên đề do Thủ trưởng cơ quan hải quan cấp trên chỉ đạo.