Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại?

PV.

Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) đối với một số hoạt động đối ngoại sẽ thực hiện theo các quy định mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/12/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017 theo quy định tại Nghị định số 117/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các khoản chi phải phù hợp với tính chất, nội dung, đặc thù nhiệm vụ đối ngoại

Ngày 19/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động đối ngoại. Nghị định này quy định về nhiệm vụ thu, chi NSNN đối với một số hoạt động đối ngoại; Lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại theo quy định của Luật NSNN.

Thu trong hoạt động đối ngoại gồm: Phí, lệ phí trong hoạt động ngoại giao; phí, lệ phí liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân có yếu tố nước ngoài và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

 
Chi hoạt động đối ngoại gồm: Chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Các khoản chi hoạt động đối ngoại được thực hiện theo quy định hiện hành và phù hợp với tính chất, nội dung, đặc thù nhiệm vụ đối ngoại.
Nghị định số 117/2017/NĐ-CP  cũng quy định các nội dung đặc thù trong công tác lập dự toán, chấp hành dự toán, kế toán và quyết toán NSNN trong hoạt động đối ngoại.

Những quy định khác về lập, chấp hành, kế toán, quyết toán và công khai NSNN của các cơ quan trung ương và các địa phương không quy định tại Nghị định này thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN.  

Đối với các dự án đầu tư xây dựng và việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ để duy trì hoạt động thường xuyên của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại. Trường hợp có những quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại.

Lập dự toán NSNN hàng năm phải đầy đủ theo từng khoản thu

Theo quy định của Nghị định số 117/2017/NĐ-CP, dự toán NSNN phải lập theo đúng quy định, biểu mẫu báo cáo và thời gian do cơ quan có thẩm quyền quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính; Phải thể hiện đầy đủ theo từng khoản thu, chi bao gồm cả chi từ các khoản thu được để lại chi theo chế độ; Thuyết minh cơ sở, căn cứ tính toán từng khoản thu, chi. Đối với các khoản chi có nội dung bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước.

Căn cứ Kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN; Quy định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm sau; Hướng dẫn của Bộ Tài chính về lập dự toán ngân sách năm sau; Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công năm sau; Tình hình thực hiện ngân sách năm trước; Số kiểm tra về dự toán ngân sách do Bộ Tài chính thông báo và yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan chủ quản bao gồm cả nhiệm vụ của các cơ quan có cán bộ biệt phái tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài lập dự toán thu, chi ngân sách năm sau. 

Cơ quan có cán bộ biệt phái tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc hướng dẫn Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập dự toán thu, chi ngân sách năm sau đối với lĩnh vực chuyên môn do cơ quan phụ trách.

Dự toán NSNN hàng năm của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được lập bằng đồng Việt Nam quy đổi ra đô la Mỹ theo tỷ giá kế hoạch do Bộ Tài chính quy định.

Căn cứ hướng dẫn của cơ quan chủ quản; nhiệm vụ cụ thể được giao; Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, các chỉ tiêu làm căn cứ xây dựng dự toán; Biến động giá cả của nước sở tại, biến động của đồng đô la Mỹ so với đồng tiền địa phương; tình hình thực hiện dự toán ngân sách các năm trước của các bộ phận, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài lập dự toán thu, chi NSNN năm sau gửi cơ quan chủ quản tổng hợp. Dự toán ngân sách phải kèm bản thuyết minh chi tiết căn cứ tính toán từng khoản thu, chi.

Cơ quan chủ quản xem xét dự toán ngân sách do các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc lập, tổng hợp và lập dự toán NSNN năm sau của cơ quan gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phân dự toán chi đầu tư phát triển) trước ngày 20/7 hàng năm để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền.

Phân bổ và giao dự toán NSNN phải đúng chế độ

Về phân bổ và giao dự toán NSNN đối với các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách, các bộ, cơ quan trung ương phân bổ và giao dự toán NSNN cho các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc bằng đô la Mỹ quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá kế hoạch do Bộ Tài chính quy định theo nguyên tắc: Đúng với dự toán ngân sách được giao về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ thu, chi; Đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; Đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm thực hiện nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan có cán bộ biệt phái tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Kết quả phân bổ và giao dự toán NSNN cho các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài gửi Bộ Tài chính để kiểm tra, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước để thực hiện.  

Đối với các hoạt động chuyên môn đặc thù bố trí trong dự toán của các cơ quan có cán bộ biệt phái tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện.