Quản lý tài chính với dự án PPP

Theo chinhphu.vn

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 55/2016/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tư quy định rõ việc xây dựng phương án tài chính cho các dự án PPP. Theo đó, toàn bộ chi phí và nguồn thu hợp pháp theo quy định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và vận hành của dự án phải được phản ánh đầy đủ trong phương án tài chính của dự án bằng Đồng Việt Nam. Các chỉ tiêu tài chính của dự án được tính toán căn cứ trên các dòng tiền sau thuế được chiết khấu theo tỷ suất chiết khấu bình quân gia quyền.

Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vay ưu đãi tham gia thực hiện các dự án PPP thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Bộ Tài chính cũng quy định các nội dung cần có trong phương án tài chính gồm: Tổng vốn đầu tư; cơ cấu nguồn vốn đầu tư; phương án huy động vốn; các đề xuất ưu đãi đảm bảo phương án tài chính của dự án (nếu có); lợi nhuận vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; thời gian thực hiện, vận hành, thu hồi vốn và lợi nhuận của dự án; phương án thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư; chỉ tiêu đánh giá tính khả thi của phương án tài chính.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư đối với dự án có hoạt động xây dựng là tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng và vốn lưu động ban đầu để đưa dự án vào khai thác, vận hành theo tiêu chuẩn, kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với dự án không có hoạt động đầu tư xây dựng, tổng vốn đầu tư là toàn bộ các chi phí đầu tư để đưa dự án vào khai thác, vận hành và chi phí vận hành dự án trong năm đầu tiên được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư cũng quy định về lãi vay huy động vốn đầu tư bao gồm: Lãi vay trong thời gian xây dựng được tính trong tổng vốn đầu tư dự án, lãi vay huy động trong thời gian kinh doanh, khai thác được tính trong phương án tài chính của dự án. Lãi vay huy động vốn đầu tư chỉ áp dụng đối với phần vốn nhà đầu tư phải đi vay; không tính lãi vay đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cam kết trong hợp đồng dự án.

Thời gian tính lãi vay được tính từ thời điểm giải ngân khoản vay đầu tiên; thời gian tính lãi vay tối đa không vượt quá thời gian thực hiện dự án quy định trong hợp đồng dự án. Lãi vay huy động được tính trên cơ sở mức vốn vay cam kết và tiến độ huy động các nguồn vốn trong hợp đồng dự án.

Mức lãi suất vốn vay được tính trong các trường hợp cụ thể như sau: Trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn.

Trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận không vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 03 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.

Thông tư này có hiệu lực từ 5/5/2016.