Quản lý thuế đối với thương nhân hoạt động trong KKT cửa khẩu

Theo tapchithue.com.vn

Theo quy định tại Thông tư số 218/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính thì thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu thực hiện nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và các loại thuế, phí và lệ phí khác theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu của thương nhân phải có đủ tài liệu chứng minh nguồn gốc trước khi xuất bán, đảm bảo đã được nộp đủ các loại thuế ở khâu nhập khẩu theo quy định. Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán qua biên giới của thương nhân là DN được hoàn thuế GTGT nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, khi bán hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần thì thương nhân phải xuất hóa đơn giao cho người mua và phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa.

Trường hợp, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Đối với thương nhân là hộ, cá nhân kinh doanh, hàng tháng phải thực hiện kê khai doanh thu theo hóa đơn vào báo cáo sử dụng hoá đơn và thực hiện nộp thuế GTGT, TNCN phát sinh chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo. Đối với thương nhân là DN sử dụng hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn mua của cơ quan thuế theo quy định hiện hành, tiến tới sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình của cơ quan thuế với thời hạn nộp báo cáo sử dụng hóa đơn chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.

Về kê khai, nộp thuế, thương nhân là DN thực hiện khai và nộp thuế GTGT theo tháng; tạm nộp thuế TNDN theo quý và hết năm thực hiện quyết toán thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.Doanh thu bán hàng hóa của thương nhân là DN được xác định theo tờ khai thuế GTGT tháng.

Các thương nhân là cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện khai và nộp thuế theo phương pháp khoán, với doanh thu khoán của năm tính thuế được xây dựng trên cơ sở: mức doanh thu khoán năm trước; mức doanh thu do cá nhân tự khai; cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan; dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá; ý kiến tham vấn của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn.

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các nội dung khác về quản lý hóa đơn, quản lý thu thuế đối với thương nhân có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu không được hướng dẫn tại thông tư này vẫn được thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực./.