Quy định chặt chẽ hơn trong xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành trong lĩnh vực hải quan

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo và đang tổ chức lấy ý kiến về Nghị định thay thế Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2007/NĐ-CP.

Quy định chặt chẽ hơn trong xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành trong lĩnh vực hải quan
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bổ sung nhiều hành vi và chế tài xử phạt

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị định đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan, phòng ngừa và ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan và công chức hải quan;  là một trong những cơ sở quan trọng trong việc thực  hiện việc đánh giá, phân loại doanh nghiệp làm tiêu chí phân luồng hàng hoá khi thực hiện thủ tục hải quan, góp phần cải cách thủ tục hành chính về hải quan, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và bảo đảm quản lý hải quan.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Nghị định không còn phù hợp bởi một số Luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế. Đồng thời, một số quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa có sự thay đổi như:  chính sách quản lý đối với hàng kinh doanh tạm nhập – tái xuất; thủ tục hải quan đối với hàng gia công, nhập sản xuất xuất khẩu; thủ tục hải quan điện tử đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu…dẫn đến phát sinh một số hành vi vi phạm mới trong lĩnh vực hải quan.

Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể, đầy đủ các hành vi và chế tài xử phạt đối với các vi phạm hành chính về hải quan bao gồm cả các hành vi vi phạm về thuế, bảo đảm pháp luật hải quan, pháp luật về quản lý thuế được thực hiện có hiệu quả. Quy định cụ thể trình tự, thủ tục thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt đồng thời quy định cụ thể biện pháp, điều kiện,trình tự, thủ tục thẩm quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Dự thảo bổ sung thêm 14 hành vi vi phạm phát sinh từ các quy định mới trong pháp luật về hải quan. Cụ thể: Nhóm hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế (2 hành vi): Không thông báo cho cơ quan hải quan đúng thời hạn quy định thông tin về hàng hoá trước khi hàng hoá đến cửa khẩu; Không chấp hành đúng chế độ cung cấp và khai báo  thông tin hàng hoá chịu sự giám sát, quản lý hải quan tại kho, khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật.

Nhóm hành vi vi phạm quy định về khai hải quan (5 hành vi): Không khai hoặc khai không đúng các nội dung trên tờ khai hải quan mà không ảnh hưởng đến thuế hoặc chính sách xuất nhập khẩu; Không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại,số lượng, trọng lượng, xuất xứ hàng hoá sử dụng, tiêu huỷ trong khu phi thuế  quan; Lập và khai không đúng các nội dung trong hồ sơ thanh khoản hàng hoá của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan; Khai tăng so với định mức sử dụng nguyên liệu, định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu hoặc vật tư  gia công hàng hoá để xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất; Không khai nguyên vật liệu gia công tự cung ứng

Nhóm hành vi khai thiếu thuế (3 hành vi): Khai sai về đối tượng không thuộc diện chịu thuế; Sử dụng hàng hoá trong hạn ngạch thuế quan không đúng nội dung hạn ngạch; Các hành vi không khai hoặc khai sai khác làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu....

Mức phạt tối đa đối với cá nhân là 100 triệu đồng

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực hải quan đối với cá nhân là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức là 200.000.000 đồng. Cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trong lĩnh vực hải quan, đối tượng trong quan hệ pháp luật hải quan chủ yếu là các tổ chức. Do vậy, Dự thảo quy định mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức; mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.  

Về mức phạt, Dự thảo Nghị định kế thừa Nghị định hiện hành để quy định mức phạt, có điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số trường hợp tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi.

Cụ thể, tại dự thảo, mức phạt tiền thấp nhất là 500.000 đồng (trước đây là 200.000 đồng); mức phạt tiền cao nhất là 70.000.000 đồng (trước đây là 40.000.000 đồng). Khoảng cách mức phạt tiền đầu khung với mức phạt tiền cuối khung cơ bản từ 1,5 đến 3 lần. Có một vài hành vi khoảng cách này từ 2 lần đến 5 lần (như hiện hành). Mức phạt tiền đối với  hành vi vi phạm liên quan đến hàng kinh doanh tạm nhập- tái xuất được quy định tăng nặng hơn so với cùng hành vi vi phạm  đối với loại hình kinh doanh khác.

Về hình thức phạt bổ sung, Dự thảo Nghị định về cơ bản kế thừa các quy định nêu trên, có điều chỉnh việc áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm của các nhóm hành vi vi phạm nêu trên, cụ thể: Áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hải quan (mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới….);

Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về giám sát (niêm phong, kẹp chì…): Nếu tang vật vi phạm thuộc diện cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép, hàng hoá không đủ điều kiện để nhập khẩu thì buộc tái xuất; trường hợp tang vật không còn thì buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm; Nếu tang vật không thuộc diện nêu trên thì bị xử phạt vi phạm và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thuế...

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Dự thảo Nghị định bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm” cho một số hành vi vi phạm vi phạm có quy định tịch thu tang vật vi phạm nhưng tang vật bị tịch thu không còn như: “Tạm nhập - tái xuất hàng hoá thuộc diện cấm, ngừng kinh doanh tạm nhập - tái xuất”;  “Xuất khẩu, nhập khẩu, đưa vào Việt Nam hàng hoá thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu”; “Tự ý thay đổi mục đích sử dụng hàng hoá là nguyên liệu, vật tư, linh kiện, máy móc, thiết bị để gia công thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Thẩm quyền xử phạt được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế cụ thể: thẩm quyền xử phạt là Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan. Đối với các hành vi vi phạm khác: Thẩm quyền xử phạt thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.