Quy định mới về điều kiện hộ kinh doanh khai thác khoáng sản

PV.

Có báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò và phê duyệt, kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền... là những điều kiện áp dụng đối với hộ kinh doanh khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng được quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản ban hành ngày 29/11/2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, hộ kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật khoáng sản được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Một là, có báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò và phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố nơi có khoáng sản. Báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác phù hợp;

Hai là, có kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Ba là, quy mô công suất khai thác không quá 3.000 m3 sản phẩm là khoáng sản nguyên khai/năm.

Nghị định số 158/2016/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về thời hạn của Giấy phép khai thác khoảng sản là thời gian khai thác khoáng sản xác định trong Dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật khoáng sản.

Theo đó, thời gian khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản gồm: Thời gian xây dựng cơ bản mỏ, kể cả thời gian dự kiến làm thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng và thuê đất để khai thác; thời gian khai thác theo công suất thiết kế; thời gian khai thác nạo vét.

Nghị định số 158/2016/NĐ-CP cũng quy định rõ trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác. Theo đó, trữ lượng khoáng sản trong dự án đầu tư khai thác được phép đưa vào thiết kế khai thác quy định tại Điều 52 Luật khoáng sản bao gồm toàn bộ hoặc một phần trữ lượng khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, phù hợp với quy hoạch khoáng sản có liên quan được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp vì lý do nhu cầu tiêu thụ, thời hạn khai thác, yếu tố xã hội mà không huy động hết trữ lượng khoáng sản đã phê duyệt hoặc đã cấp phép thì trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác không được nhỏ hơn 50% tổng trữ lượng khoáng sản đã phê duyệt, đối với khoáng sản rắn; không nhỏ hơn 35% tổng lưu lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản quy định tại Điều 49 Luật khoáng sản xác nhận.

Nghị định số 158/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2017.