Quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

Theo Báo Hải quan

Kể từ ngày 1/6/2013, các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế sẽ có nhiều sửa đổi, bổ sung mới như: Điều kiện thực hiện giao dịch điện tử, thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử và xác nhận, chứng từ nộp thuế điện tử... nhằm khuyến khích người nộp thuế thực hiện các dịch vụ khai, nộp thuế điện tử.

Quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Siết chặt giao dịch

Theo Thông tư số 35/2013/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 180/2010/TT-BTC ngày 10/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế thì điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế ngoài các quy định tại Thông tư 180 còn phải đảm bảo các điều kiện như: Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp; Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet và có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định với cơ quan Thuế.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử và xác nhận như: Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế qua cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết); Ngày nộp hồ sơ thuế điện tử được tính từ 0 giờ đến 24 giờ cùng ngày.

Thời điểm nộp hồ sơ thuế điện tử là thời điểm được ghi trên Thông báo xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử của cơ quan Thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN. Cơ quan Thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN (trường hợp sử dụng dịch vụ T-VAN) gửi thông báo xác nhận đã nhận được hồ sơ thuế điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế chậm nhất 15 phút sau khi nhận được hồ sơ thuế điện tử của người nộp thuế gửi đến.

Đối với trường hợp đến hạn nộp hồ sơ khai thuế điện tử mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa khắc phục được sự cố, người nộp thuế lập hồ sơ khai thuế bằng giấy và nộp cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý. Trường hợp do lỗi của cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN (trường hợp sử dụng dịch vụ T-VAN) trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thì người nộp thuế không bị phạt hành chính về hành vi nộp chậm hồ sơ khai thuế nếu người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 1/6/2013, người nộp thuế thực hiện khai thuế điện tử theo một trong các cách sau: Khai thuế điện tử trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế: người nộp thuế truy cập tài khoản giao dịch thuế điện tử; thực hiện khai thuế trực tuyến tại cổng thông tin của cơ quan thuế và gửi hồ sơ khai thuế điện tử cho cơ quan Thuế;

Khai thuế điện tử bằng các phần mềm, công cụ hỗ trợ khai thuế: người nộp thuế lập hồ sơ khai thuế điện tử bằng phần mềm, công cụ hỗ trợ đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế; sau đó người nộp thuế truy cập vào tài khoản giao dịch thuế điện tử để thực hiện gửi hồ sơ khai thuế điện tử cho cơ quan Thuế; Khai thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.

Trách nhiệm đơn vị cung cấp T-Van

Sau khi nhận được hồ sơ khai thuế điện tử của người nộp thuế, cơ quan Thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN (trường hợp sử dụng dịch vụ T-VAN) gửi thông báo xác nhận nộp hồ sơ khai thuế điện tử cho người nộp thuế.

Ngày nộp thuế điện tử được xác định là ngày người nộp thuế trích tiền từ tài khoản của mình và ngân hàng đã chấp nhận thanh toán; đồng thời được ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước xác nhận bằng chữ ký số trên chứng từ nộp thuế điện tử của người nộp thuế.

Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN như: Có trách nhiệm chuyển hồ sơ thuế điện tử đến cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế chậm nhất là 2h/1lần kể từ khi nhận được hồ sơ thuế điện tử của người nộp thuế; Cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu cho cơ quan quản lý thuế khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật;  Có trách nhiệm thiết lập kênh kết nối với cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế đảm bảo liên tục, an ninh, an toàn.

Trường hợp có vướng mắc trong quá trình thực hiện dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, chủ động giải quyết và thông báo với cơ quan Thuế để phối hợp nếu vướng mắc có liên quan tới cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế...

Tính đến nay, ngành Thuế đã triển khai giao dịch điện tử tại 50 tỉnh, thành phố với gần 203.000 DN tham gia. Mục tiêu trong năm 2013, số DN khai thuế qua mạng Internet sẽ chiếm khoảng 80% số DN trong cả nước (tương đương 300 nghìn DN sử dụng chữ ký số khi kê khai thuế qua mạng và sử dụng các dịch vụ công của ngành Tài chính).