Quy định mới về thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư

Công ty Luật PLF

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, chủ đầu tư có nghĩa vụ phải thực hiện chế độ giám sát, đánh giá đầu tư và báo cáo lên các cơ quan về đầu tư có thẩm quyền.

Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn

Theo quy định tại Nghị định 84/2015/NĐ-CP ngày 30/09/2015 nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện giám sát, đánh giá và báo cáo đến cơ quan đăng ký đầu tư để theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư.

Đồng thời, nhà đầu tư phải thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của dự án, báo cáo các nhà thầu liên quan đến việc quản lý thực hiện dự án.

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ dựa vào báo cáo của nhà đầu tư mà theo dõi tình hình thực hiện dự án theo nội dung đã đăng ký. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và giám sát hoạt động của nhà đầu tư để đưa ra các hướng dẫn cụ thể giúp đỡ các doanh nghiệp.

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thay mặt nhà đầu tư báo cáo và đề xuất lên cấp trên các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư đang gặp phải.

Nội dung giám sát, đánh giá đầu tư

Theo Điều 34 Nghị định 84, nhà đầu tư cần tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án và báo cáo các nội dung như sau:

- Việc thực hiện thủ tục đề nghị quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có);

- Tiến độ thực hiện dự án và tiến độ thực hiện mục tiêu của dự án;

- Tiến độ góp vốn đầu tư, vốn điều lệ, góp vốn pháp định (đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện);

- Tình hình khai thác và vận hành dự án, bao gồm: kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh; thông tin về lao động; nộp ngân sách nhà nước; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tình hình tài chính của doanh nghiệp; các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động của mỗi dự án;

- Việc thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng nguyên khoáng sản theo quy định;

- Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);

- Việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các dự án thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

- Tình hình thực hiện ưu đãi đầu tư (nếu có).

Chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư

Nghị định 84 quy định rõ chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư của nhà đầu tư, cụ thể:

- Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;

- Báo cáo đánh giá kết thúc (nếu có);

- Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi khởi công dự án (đối với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);

- Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi bắt đầu khai thác, vận hành dự án (đối với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

Theo đó, thời hạn nhà đầu tư phải gửi báo cáo cho cơ quan đăng ký đầu tư là :

- Trước khi khởi công dự án 15 ngày;

- Trước khi trình điều chỉnh chương trình, dự án;

- Trước khi bắt đầu khai thác, vận hành dự án 15 ngày;

- Gửi báo cáo quý trước ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo;

- Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;

- Gửi báo cáo năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau.

Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư

Theo quy định tại Thông tư 22/2015/TT-BKHĐT, mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư cụ thể cho nhà đầu tư bao gồm:

- Mẫu số 11 – Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi khởi công dự án (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);

- Mẫu số 12 – Báo cáo giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đầu tư 6 tháng, cả năm;

- Mẫu số 13 – Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);

- Mẫu số 14 – Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ 6 tháng, cả năm trong giai đoạn khai thác, vận hành.

Hiện nay, sau khi đã hoàn tất cả thủ tục cấp phép đầu tư, các nhà đầu tư thường không lưu ý và không thực hiện việc thực hiện chế độ báo cáo cho cơ quản lý. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp hoặc dự án của nhà đầu tư gặp khó khăn, các cơ quan chức năng không có được các phương án hỗ trợ kịp thời. Từ đó, dẫn đến rất nhiều các trường hợp giải thể và phá sản của các doanh nghiệp, dự án đầu tư nhỏ và vừa thời gian gần đây.

Mặt khác, việc không thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo thông tin không chính xác về tình hình thực hiện đầu tư, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà nhà đầu tư sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.