Quy định về đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

PV.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại phiên họp sáng ngày 12/6/2017. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 với nhiều quy định cụ thể về đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, điều 17 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) quy định, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện: Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.

Các nội dung hỗ trợ DNNVV bao gồm:

- Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới;

- Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng;

- Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;

- Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;

- Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, về vấn đề đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, điều 18 Luật Hỗ trợ DNNVV quy định, nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc: Đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo không quá 50% vốn điều lệ của DN sau khi nhận đầu tư; Nhà đầu tư tư nhân góp vốn vào quỹ phải có điều kiện tài chính và chịu trách nhiệm về vốn góp của mình.

Nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN.

Căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc:

- Lựa chọn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đủ điều kiện để cùng đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo;

- Khoản vốn đầu tư từ ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư mà DN khởi nghiệp sáng tạo huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn;

- Tiến hành chuyển nhượng vốn đầu tư cho nhà đầu tư tư nhân trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm góp vốn đầu tư. Việc chuyển nhượng vốn đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.