Quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa

Theo Tổng cục Hải quan

(Tài chính) Trước những diễn biến phức tạp của loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa của không ít doanh nghiệp gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế và sức khỏe của người dân trong thời gian qua, ngày 18/02/2013, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký thay Bộ trưởng Bộ Công thương Thông tư số 05/2013/TT-BCT “Quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa”.

Quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Thông tư quy định chặt chẽ điều kiện để kinh doanh tạm nhập tái xuất và thủ tục cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa đối với kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt, kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng.

Về thủ tục tạm nhập tái xuất hàng hóa:

Đối với hàng thực phẩm đông lạnh thuộc Phụ lục III và hàng hóa thuộc Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này, thương nhân có Mã số được làm thủ tục tạm nhập tái xuất tại cơ quan hải quan theo quy định, không phải xin phép Bộ Công thương. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư này, thương nhân có Mã số tạm nhập tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng khi tạm nhập tái xuất gửi hồ sơ đề nghị về Bộ Công thương. Hồ sơ và thủ tục được thực hiện như sau:

Thương nhân gửi một (1) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tạm nhập tái xuất qua đường bưu điện đến Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương (địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội), gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép tạm nhập tái xuất (theo mẫu tại Phụ lục VIII): 01 bản chính. Hai hợp đồng, gồm hợp đồng nhập khẩu và hợp đồng xuất khẩu do thương nhân ký với khách hàng nước ngoài: mỗi loại 01 bản sao có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân. Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép tạm nhập tái xuất đã được cấp (theo mẫu tại Phụ lục IX): 01 bản chính. Các tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của cơ quan hải quan đối với các lô hàng theo giấy phép tạm nhập tái xuất đã được cấp lần trước: mỗi tờ 01 bản sao có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

Trong vòng mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công thương cấp giấy phép tạm nhập tái xuất cho thương nhân. Trường hợp không cấp giấy phép, Bộ Công thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Bộ trưởng Bộ Công thương ủy quyền cho Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thực hiện việc cấp giấy phép tạm nhập tái xuất quy định tại khoản 2 Điều này cho thương nhân.

Về vận đơn đường biển:

Vận đơn đường biển đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư này phải là vận đơn đích danh, không được chuyển nhượng. Ngoài những nội dung theo quy định, trên vận đơn phải ghi số Mã số của thương nhân. Đối với trường hợp tạm nhập tái xuất theo giấy phép, trên vận đơn phải ghi thêm số giấy phép do Bộ Công thương cấp cho thương nhân.

Khi có hiện tượng hàng hóa ách tắc tại cảng, cửa khẩu và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan có liên quan thông báo cho Bộ Công thương biết để xem xét thực hiện việc điều tiết hàng hóa tạm nhập tái xuất. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu thương nhân tạm ngừng đưa hàng về Việt Nam.

Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận mã số tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh theo quy định tại Thông tư số 21/2011/TT-BCT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh phải bổ sung đủ các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 và nộp hồ sơ đề nghị cấp Mã số theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này mới được tiếp tục thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh thuộc Phụ lục III theo các quy định tại Thông tư này, không cần văn bản xác nhận của Tổng cục Hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này. Đối với các giấy phép tạm nhập tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư này do Bộ Công thương cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thương nhân được thực hiện tạm nhập theo thời hạn của giấy phép và tái xuất theo các quy định như trước khi Thông tư này có hiệu lực.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 4 năm 2013 và bãi bỏ các văn bản sau: Thông tư số 33/2010/TT-BCT ngày 11 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu phủ tạng gia súc, phủ tạng gia cầm đông lạnh và không đông lạnh. Thông tư số 21/2011/TT-BCT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh. Quyết định số 5737/QĐ-BCT ngày 28 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc công bố tạm thời các Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan./.

Được thành lập tối thiểu là hai (2) năm và đã có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa; Có số tiền ký quỹ đặt cọc là 5 tỷ VNĐ (năm tỷ đồng Việt Nam) tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là điều kiện chung nhất để doanh nghiệp có thể kinh doanh tạm nhập tái xuất.