Quy định về nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều

Anh Thư

Ngày 15/7/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2020/TT-BTC về việc quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều. Theo đó, nguồn kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều đã được làm rõ.

Các sự cố đê điều cần phải xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn hệ thống đê
Các sự cố đê điều cần phải xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn hệ thống đê

Thông tư số 68/2020/TT-BTC quy định ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí chi thường xuyên để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều đối với các tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa đột xuất, xử lý cấp bách sự cố do thiên tai, mưa lũ đối với các tuyến đê cấp IV và cấp V do địa phương quản lý, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí chi thường xuyên để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều đối với các tuyến đê cấp IV và cấp V.

Đối với đê chuyên dùng của các ngành, các tổ chức kinh tế; kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều do các chủ công trình bảo đảm.

Nội dung chi duy tu, bảo dưỡng đê điều từ nguồn ngân sách trung ương gồm: Sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê; Sửa chữa gia cố đường gom, đường hành lang chân đê, dốc lên xuống đê trong phạm vi bảo vệ đê điều; Sửa chữa và trồng cỏ mái đê, cơ đê, chân đê, mái kè; Đắp đất, trồng cây chắn sóng; Khảo sát, phát hiện và xử lý mối và các ẩn hoạ trong thân đê; khoan phụt vữa gia cố chất lượng thân đê; Kiểm tra đánh giá chất lượng cống dưới đê; xử lý các hư hỏng nhỏ; nạo vét thượng, hạ lưu của cống dưới đê; Kiểm tra hiện trạng kè bảo vệ đê; chi tu sửa các hư hỏng nhỏ của kè…

Các sự cố đê điều cần phải xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn hệ thống đê là các sự cố phát sinh trước, trong và sau mùa lũ, bão hàng năm, những sự cố này chưa được đưa vào kế hoạch và bố trí trong dự toán duy tu, bảo dưỡng đê điều hằng năm, gồm: Xử lý sạt trượt mái đê, mái kè; Xử lý nứt đê; Xử lý sập tổ mối trên đê; Xử lý sụt, lún thân đê; Xử lý đoạn bờ sông bị sạt trượt có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê điều; Xử lý rò rỉ, thấm, tổ mối và các khuyết tật khác trong thân đê…

Ngoài ra, Thông tư số 68/2020/TT-BTC quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí như sau: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều theo đúng nội dung đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng kinh phí đúng chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh quyết toán kinh phí đã sử dụng, chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành.

Việc xác định khối lượng công việc và dự toán kinh phí căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thông tư số 68/2020/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2020.