Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài

Trang Trần

(Tài chính) Ngày 24/1, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhận gia công tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài và thủ tục hải quan đối với hàng hóa đặt gia công ở nước ngoài.

Thông tư số 13/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài. Nguồn: internet
Thông tư số 13/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài. Nguồn: internet
Theo đó, có 3 nhóm đối tượng áp dụng Thông tư, bao gồm:

Một là các đối tượng được gọi chung là thương nhân như: doanh nghiệp Việt Nam được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật đầu tư; hợp tác xã được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể được đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

Hai là cơ quan hải quan, công chức hải quan.

Ba là cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.

Về hình thức Hợp đồng gia công, Thông ty quy định: Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Về chữ ký và con dấu trên hợp đồng: đối với thương nhân nước ngoài phải có chữ ký; đối với thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu theo quy định của pháp luật Việt Nam; đối với thương nhân là hộ kinh doanh cá thể thì ký, ghi rõ họ tên; số, ngày, nơi cấp chứng minh nhân dân của chủ hộ kinh doanh. Các chứng từ kèm theo hợp đồng do bên đặt gia công là thương nhân nước ngoài phát hành bằng hình thức điện tử thì bên nhận gia công là thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu xác nhận. Thương nhân Việt Nam là hộ kinh doanh cá thể cũng phải thực hiện các quy định về chữ ký và con dấu như trên.

Thông tư cũng nêu rõ: nội dung hợp đồng gia công phải được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP. Trường hợp nếu bên đặt gia công và bên nhận gia công phát sinh giao dịch qua bên thứ ba như bên đặt gia công chỉ định bên nhận gia công nhận nguyên liệu, vật tư từ đối tác thứ ba hoặc chỉ định giao sản phẩm gia công xuất khẩu cho đối tác thứ ba thì phải thể hiện trên hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng hoặc văn bản, tài liệu có liên quan để chứng minh.

Thủ tục hải quan được Thông tư hướng dẫn chi tiết đối với từng loại hàng hóa gia công, cụ thể:

Thứ nhất, một số thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhận gia công tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài bao gồm: Thủ tục thông báo hợp đồng gia công; Thủ tục thông báo, điều chỉnh, kiểm tra định mức; Thủ tục thông báo mã nguyên liệu, vật tư; Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư gia công; Thủ tục đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công; Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng mẫu không thanh toán; Thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công ra nước ngoài; Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đối với sản phẩm gia công; Thủ tục hải quan đối với trường hợp thuê gia công lại; Thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp; Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công; Thủ tục xuất trả nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tạm nhập gia công ra nước ngoài trong thời gian thực hiện hợp đồng gia công; Thanh khoản hợp đồng gia công.

Thứ hai, một số thủ tục hải quan đối với hàng hóa đặt gia công ở nước ngoài bao gồm: Thủ tục thông báo hợp đồng gia công; Thủ tục xuất khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa đặt gia công ở nước ngoài; Thủ tục thông báo, điều chỉnh và kiểm tra định mức; Thủ tục nhập khẩu sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài; Thủ tục tạm xuất sản phẩm gia công ra nước ngoài để tái chế sau đó tái nhập khẩu trở lại Việt Nam; Thủ tục gia công chuyển tiếp ở nước ngoài; Thanh khoản hợp đồng gia công; Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, phế thải; máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công.

Thông tư trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2014 thay thế Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Tài chính trái với Thông tư này.