Quyền lợi khách hàng vẫn được bảo đảm khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản

Theo Thoibaotaichinhvietnam.vn

Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (BH) được sử dụng để trả tiền BH, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường BH; hoàn phí BH theo quy định tại hợp đồng BH theo đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, bị phá sản…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đây là một phần nội dung quy định về Quỹ bảo vệ người được BH tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh BH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh BH vừa được Chính phủ ký ban hành.

Đảm bảo quyền lợi khách hàng tham gia bảo hiểm

Về nguyên tắc sử dụng Quỹ bảo vệ người được BH, Nghị định nêu rõ, Quỹ được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán và đã áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán nhưng vẫn không khắc phục được, DNBH, chi nhánh nước ngoài được sử dụng Quỹ bảo vệ người được BH theo quyết định của Bộ Tài chính về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.

Trường hợp DNBH bị phá sản, Quỹ bảo vệ người được BH được sử dụng kể từ thời điểm thẩm phán ra quyết định tuyên bố DNBH bị phá sản.

Quỹ bảo vệ người được BH được sử dụng để trả tiền BH, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường BH; hoàn phí BH theo quy định tại hợp đồng BH theo đề nghị của DNBH, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, DNBH bị phá sản và thực hiện một lần đối với mỗi hồ sơ yêu cầu trả tiền BH, trả giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường BH hoặc hoàn phí BH.

“Quỹ bảo vệ người được BH được sử dụng riêng cho loại hình BH nhân thọ và phi nhân thọ, BH sức khỏe”, Nghị định nêu rõ.

Về hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được BH, Nghị định nêu rõ: Đối với hợp đồng BH nhân thọ, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.

Đối với hợp đồng BH sức khỏe, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH, chi nhánh nước ngoài nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.

Đối với hợp đồng BH phinhân thọ, cụ thể là hợp đồng BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Quỹ chi trả tối đa mức trách nhiệm của DNBH, chi nhánh nước ngoài thuộc phạm vi BH theo quy định pháp luật hiện hành; hợp đồng BH thuộc các nghiệp vụ BH khác theo quy định pháp luật, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của DNBH, chi nhánh nước ngoài, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng…

Thủ tục chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Nghị định nêu rõ, để thực hiện thủ tục chi trả của Quỹ, DNBH, chi nhánh nước ngoài gửi Bộ Tài chính 1 bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu: Văn bản đề nghị sử dụng Quỹ; văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về phương án phân chia giá trị tài sản của DNBH; bảng thống kê danh sách người được BH và các hồ sơ yêu cầu trả tiền BH, giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường BH, hoàn phí BH… theo thỏa thuận tại hợp đồng BH mà DNBH, chi nhánh nước ngoài không có khả năng thanh toán.

Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xây dựng phương án chi trả tiền BH, giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường và thông báo công khai việc chi trả cho người được BH trên các báo hàng ngày, đồng thời niêm yết danh sách các đối tượng được chi trả tại trụ sở chính, các chi nhánh, địa điểm giao dịch của DNBH, chi nhánh nước ngoài và trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính…

Đối với hoạt động đầu tư của Quỹ, Nghị định nêu rõ, nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ chỉ được thực hiện đầu tư tại Việt Nam để mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại. Bộ Tài chính thực hiện hoặc ủy thác cho một tổ chức thực hiện đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ.

DNBH, chi nhánh nước ngoài (trừ doanh nghiệp tái BH ) phải trích nộp Quỹ bảo vệ người được BH.

Trước ngày 30/4 hàng năm, Bộ Tài chính công bố mức trích nộp Quỹ áp dụng cho năm tài chính. Mức trích nộp tối đa không vượt quá 0,3% tổng doanh thu phí BH giữ lại của các hợp đồng BH gốc trong năm tài chính trước liền kề của DNBH, chi nhánh nước ngoài.

Trước ngày 30/6 hàng năm, DNBH, chi nhánh nước ngoài trích nộp 50% số tiền phải nộp Quỹ của năm tài chính. Trước ngày 31/12 hàng năm, DNBH, chi nhánh nước ngoài phải hoàn thành nghĩa vụ trích nộp Quỹ của năm tài chính.

“Việc trích nộp được thực hiện đến khi quy mô của Quỹ đạt 5% tổng tài sản đối với các DNBH phi nhân thọ, DNBH sức khỏe, chi nhánh nước ngoài và 3% tổng tài sản đối với các DNBH nhân thọ”, Nghị định quy định.