Sẽ xoá nợ cho doanh nghiệp phá sản không còn tài sản nộp thuế

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Đó là một trong những điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ 1/7/2013.

 Sẽ xoá nợ cho doanh nghiệp phá sản không còn tài sản nộp thuế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khoản 20, 21 và 22 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ 1/7/2013) đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về xóa nợ tiền thuế, tiền phạt như sau: Bổ sung 1 trường hợp được xóa nợ là “các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nhưng không có khả năng thu hồi và đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế.” Đồng thời, thay tờ khai quyết toán thuế bằng quyết định tuyên bố phá sản trong hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền phạt.

Ông Cao Anh Tuấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để quy định chi tiết nội dung nêu trên và phù hợp với quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Bộ Tài chính đề nghị quy định 1 điều tại Nghị định về điều kiện được xóa nợ đối với trường hợp mới bổ sung nêu trên và hồ sơ xóa nợ đối với các trường hợp được xóa nợ. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định như sau:

Các trường hợp được xoá nợ thuế

Trường hợp được xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt: doanh nghiệp (DN) bị tuyên bố phá sản, (không bao gồm DN tư nhân, công ty hợp danh bị tuyên bố phá sản) đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ. Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không thuộc trường hợp nêu tại điểm a và b, khoản 1 điều này, đáp ứng đủ các điều kiện sau: Khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế; Cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định nhưng không thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Các trường hợp xóa nợ DN bị tuyên bố phá sản khi xem xét xóa nợ gốc thì cũng đồng thời được xóa khoản tiền chậm nộp của khoản nợ gốc đó.

Các khoản nợ thuế được xoá

Dự thảo Nghị định cũng quy định, các khoản nợ thuế được xoá bao gồm thuế và các khoản phải thu khác thuộc ngân sách Nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật, trừ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.

Hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bao gồm: Văn bản đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của cơ quan Thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; Quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp DN bị tuyên bố phá sản; Hồ sơ cưỡng chế nợ thuế theo quy định tại văn bản pháp luật hướng dẫn về thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực thuế, hải quan; Tài liệu liên quan đến việc đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ việc báo cáo Chính phủ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã xoá hàng năm.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xoá hàng năm theo thẩm quyền; gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được xoá hàng năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được xoá hàng năm theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xoá hàng năm khi Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.