Tài sản các dự án sử dụng vốn nhà nước phải được quản lý, sử dụng đúng quy định của pháp luật

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 20/12, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 198/2013/TT-BTC nới mục tiêu thống nhất các quy định về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo đó, tài sản dự án được quy định gồm: Tài sản phục vụ công tác quản lý dự án của Ban quản lý dự án, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện dự án như trụ sở làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất, bao gồm cả phần diện tích đất được giao để phục vụ công tác quản lý, thi công của dự án, phương tiện đi lại, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác phục vụ công tác quản lý dự án; Tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án; Tài sản phục vụ hoạt động của các chuyên gia nước ngoài, các nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài khi dự án kết thúc, các chuyên gia, nhà thầu chuyển giao tài sản cho phía Việt Nam (sau đây gọi chung là tài sản do phía nước ngoài chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam); Tài sản là vật tư thu hồi trong quá trình thực hiện dự án.

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản dự án, chỉ thực hiện đầu tư, trang bị tài sản phục vụ công tác quản lý dự án cho các Ban quản lý dự án được thành lập theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện dự án. Nhà thầu, tư vấn, giám sát dự án tự đảm bảo tài sản để phục vụ hoạt động tư vấn, giám sát, thi công. Ban Quản lý dự án không đầu tư xây dựng, mua sắm, đi thuê tài sản để trang bị cho nhà thầu, tư vấn, giám sát. Đối với hợp đồng tư vấn theo thời gian, Ban Quản lý dự án sử dụng tài sản hiện có của Ban Quản lý dự án hoặc đi thuê để phục vụ công tác của tư vấn trong thời gian theo hợp đồng.

Việc đầu tư, trang bị tài sản phục vụ công tác quản lý dự án phải phù hợp với nhiệm vụ được giao, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, dự toán được giao và quy định của nhà tài trợ (nếu có), bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tài sản dự án phải được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán đầy đủ về hiện vật và giá trị theo chế độ quy định; Tài sản dự án phải được bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ theo chế độ quy định; Tài sản dự án khi dự án kết thúc hoặc không còn nhu cầu sử dụng phải được xử lý kịp thời theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Việc quản lý, sử dụng tài sản dự án được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản dự án phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trường hợp trong các Điều ước quốc tế cụ thể về ODA hoặc văn kiện viện trợ phi chính phủ nước ngoài có quy định khác về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản của dự án thì thực hiện theo quy định tại các Điều ước, văn kiện đó.

Về các hình thức đầu tư, trang bị tài sản phục vụ công tác quản lý dự án, Thông tư quy định: Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án có trách nhiệm sắp xếp, bố trí trong số tài sản hiện có của cơ quan, đơn vị mình để phục vụ công tác quản lý dự án.  

Trường hợp không sắp xếp, bố trí được trong số tài sản hiện có của cơ quan, đơn vị thì cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án được đầu tư, trang bị tài sản theo các hình thức sau: Điều chuyển tài sản từ các cơ quan, đơn vị khác hoặc từ các dự án khác đã kết thúc; Thuê tài sản; Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.

Trường hợp khi đàm phán để ký kết Điều ước quốc tế cụ thể về ODA, nhà tài trợ yêu cầu phải đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm xe ô tô phục vụ công tác quản lý cho Ban Quản lý dự án khác với quy định của Việt Nam để phục vụ công tác của Ban quản lý dự án thì ngoài việc tuân thủ quy định hiện hành về trình tự, thủ tục ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì đàm phán Điều ước quốc tế cụ thể về ODA phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp trước khi ký kết Điều ước quốc tế cụ thể đó. 

Trường hợp khi ký kết Điều ước quốc tế không quy định cụ thể việc mua sắm xe ô tô nhưng khi thực hiện dự án, nhà tài trợ yêu cầu phải trang bị xe ô tô thì Ban Quản lý dự án báo cáo cơ quan chủ quản dự án lấy ý kiến thỏa thuận của cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp về số lượng, chủng loại, mức giá mua xe, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc mua sắm.

Về vấn đề điều chuyển tài sản phục vụ công tác quản lý dự án, trường hợp cơ quan, đơn vị được giao thực hiện dự án không sắp xếp, bố trí được trong số tài sản hiện có của cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án có trách nhiệm rà soát tài sản của các cơ quan, đơn vị, dự án thuộc phạm vi quản lý để quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản cho Ban quản lý dự án phục vụ công tác quản lý dự án.

Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản để phục vụ công tác quản lý dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và quy định tại các Điều 18, 20 và 26 Thông tư này.

Trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản phục vụ công tác quản lý dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Cũng theo Thông tư, phạm vi tài sản phải thực hiện báo cáo kê khai gồm: Trụ sở làm việc của Ban quản lý dự án; Ô tô các loại; Các tài sản khác đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2014.