Tăng cường công tác quản lý giá tính thuế, hạn chế gian lận thương mại qua giá

Tuấn Phùng

(Tài chính) Nhằm thực hiện công tác quản lý giá tính thuế theo đúng quy định, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng gian lận thương mại qua giá, ngày 28/12 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Công văn số 7387/TCHQ-TXNK nêu rõ: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố cần thực hiện đúng quy định tại Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007, Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 và Quyết định số 1102/QĐ-BTC ngày 21/5/2008 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn về giá tính thuế của Tổng cục, trong đó có các nội dung xây dựng danh mục cấp Cục, xác định dấu hiệu nghi vấn, tham vấn, xác định giá tính thuế và cập nhật dữ liệu giá trên hệ thống GTT01.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện 5 nhóm công việc trọng tâm.

Thứ nhất, rà soát, tự kiểm tra và khắc phục tình trạng tham vấn, xác định giá tính thuế, cập nhật dữ liệu giá đối với mặt hàng thuộc Danh mục cấp Cục, Tổng cục.

Thứ hai, xây dựng danh mục rủi ro cấp Cục theo hướng rà soát để sửa đổi, bổ sung các nhóm mặt hàng trong danh mục phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo đúng quy định tại Thông tư 205/2010/TT-BTC.

Ưu tiên tập trung vào các nhóm mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn và có nhiều khả năng gian lận thương mại. Thu thập đầy đủ các nguồn thông tin theo hướng dẫn tại Quyết định 1102/QĐ-BTC để xây dựng mức giá kiểm tra cụ thể; khi xây dựng mức giá kiểm tra phải có thông tin chi tiết, đầy đủ, rõ ràng về hàng hóa; không xây dựng mức giá kiểm tra chung cho nhiều mặt hàng vào một mức giá.

Thường xuyên rà soát các mức giá kiểm tra tại Danh mục cấp Cục hiện hành để sửa đổi, bổ sung khi có sự biến động về giá, tránh tình trạng để mức giá kiểm tra không còn phù hợp trong thời gian dài.

Thứ ba, tổ chức và thực hiện Danh mục rủi ro cấp Cục. Cần chấn chỉnh việc kiểm tra, xác định dấu hiệu nghi vấn để tổ chức tham vấn, bác bỏ và xác định giá tính thuế đúng quy định đối với các trường hợp có khai báo thấp, bất hợp lý. Rà soát, thực hiện tham vấn ngay đối với các trường hợp hàng nhập khẩu cấp Cục có mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá nhưng không xác định dấu hiệu nghi vấn và còn thời gian tham vấn theo quy định. Với các trường hợp đã quá thời hạn tham vấn thì tổ chức kiểm tra sau thông quan và xử lý kết quả theo quy định. Cập nhật đầy đủ thông tin chi tiết hàng hóa, kết quả tham vấn đúng thời gian quy định vào hệ thống GTT01. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các Chi cục trực thuộc về công tác này.

Thứ tư, về việc xem xét giảm giá hàng nhập khẩu. Thực hiện giảm giá theo quy định tại điều 14, Thông tư 205/2010/TT-BTC. Lưu ý đến khoản giảm giá về số lượng, không áp dụng khoản giảm giá về số lượng đối với lô hàng nhập khẩu số lượng ít, không có bảng công bố giảm giá chung của nhà xuất khẩu hoặc không khai báo khoản giảm giá trên tờ khai trị giá.

Thứ năm, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về công tác quản lý giá tính thuế tại đơn vị, tổ chức thực hiện ngay các nội dung nêu trên.

Cục trưởng các Cục Hải quan chỉ đạo ngay các Chi cục bố trí cán bộ có năng lực và trách nhiệm làm công tác giá tính thuế, chịu trách nhiệm về thực hiện kiểm tra, xác định dấu hiệu nghi vấn, tổ chức tham vấn và xác định giá tính thuế theo phân cấp, cập nhật thông tin dữ liệu kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định.

Ngoài ra, đối với phòng Thuế hoặc phòng Nghiệp vụ cần thực hiện tham vấn, xác định giá tính thuế theo đúng phân cấp; tổ chức xây dựng Danh mục rủi ro cấp Cục phù hợp với các tiêu chí tại điều 23, Thông tư 205/2010/TT-BTC; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện công tác quản lý giá tính thuế tại các Chi cục.