Thắt chặt quản lý hàng tạm nhập tái xuất

Theo customs.gov.vn

(Tài chính) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập thay vì 120 ngày như quy định trước kia.

Thắt chặt quản lý hàng tạm nhập tái xuất
Nghị định số 187/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về quản lý hàng hóa tạm nhập, tái xuất. Nguồn: internet
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Từ thực trạng loại hình tạm nhập tái xuất diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh trong nước và sức khỏe của nhân dân, các Bộ, ngành liên quan đã có các chỉ đạo kịp thời, quy định quản lý loại hình này được nâng lên thành văn bản pháp quy tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, tại khoản 4, Điều 11 của Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định: Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập thay vì 120 ngày theo Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 23/01/2006.

Trường hợp cần kéo dài thời hạn, doanh nghiệp có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 02 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.

Nghị định cũng nêu rõ quá thời hạn nêu trên, doanh nghiệp phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu và thuế.

Việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng sau đây trở thành loại hình kinh doanh có điều kiện (do Bộ Công Thương quy định cụ thể): Hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa dễ gây lây lan mầm bệnh hoặc gây ô nhiễm môi trường; hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt theo danh mục do Bộ Công Thương công bố.

Hàng hóa tạm nhập, tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất ra khỏi việt Nam.

Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập, tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

Hàng hóa tạm nhập, tái xuất khi tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo cơ chế quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành.

Nghị định 187/2013/NĐ-CP cũng có nhiều điều chỉnh khác về nguyên tắc quản lý đối với các mặt hàng cấm xuất nhập khẩu, xuất nhập khẩu có điều kiện.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2014, thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ.