Thêm bước cải cách về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan

PV.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2018, Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP được đánh giá là tiếp tục tạo thêm bước cải cách về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Cán bộ công chức hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu
Cán bộ công chức hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu

Tại  Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi 48 Điều, bãi bỏ cụm từ “sau thông quan” tại khoản 2 Điều 40, khoản 4 Điều 61, khoản 5 Điều 66, Điều 58, Điều 78, Điều 80 của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và bổ sung 3 Điều mới.

Việc sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP nhằm đáp ứng mục tiêu: Thực hiện các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ dần đạt được mục tiêu ngang bằng các nước Asean 4 theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.

Đồng thời, tăng cường quản lý rủi ro trong các khâu nghiệp vụ hải quan; đảm bảo rõ ràng, cụ thể, minh bạch trong quy định và thống nhất thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan.

Theo đó, một số điều đã được sửa đổi, bổ sung như: Bổ sung khái niệm “kiểm tra chuyên ngành”, “Cổng thông tin một cửa quốc gia”; Sửa đổi, bổ sung địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh;

Sửa đổi quy định đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; Xác định thế nào là “cửa khẩu xuất”; Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải; Quy định về thủ tục hải quan và chính sách quản lý đối với hàng quá cảnh, trung chuyển; Về công tác kiểm soát hải quan, thu thập, cung cấp thông tin của cơ quan Hải quan…

Bên cạnh đó, các quy định về kiểm tra, xác định trị giá hải quan cũng đã được Chỉnh phủ sửa đổi. Cụ thể: Việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan căn cứ trên hồ sơ hải quan, các chứng từ tài liệu có liên quan, thực tế hàng hóa;

Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan Hải quan thông báo, đề nghị người khai hải quan thực hiện khai bổ sung trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày thông báo và giải phóng hàng theo quy định.

Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan Hai quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan Hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa.

Trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo, cơ quan Hải quan thông báo cơ sở nghi vấn, mức giá, phương pháp do cơ quan Hải quan dự kiến xác định và giải phóng hàng hóa theo quy định, người khai hải quan thực hiện tham vấn vơi cơ quan Hải quan nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá khai báo…

Với việc ban hành Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã góp phần củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai… để đảm bảo quản lý về hải quan, tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.