Thí điểm tạm nhập hàng hóa theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất

Theo customs.gov.vn

​Được ban hành kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-BCT ngày 05/4/2016 của Bộ Công Thương, Quy chế này quy định thí điểm hoạt động tạm nhập hàng hóa theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu Pò Peo (tỉnh Cao Bằng), Bản Vược (tỉnh Lào Cai), Ka Long (tỉnh Quảng Ninh) và điểm thông quan Co Sa thuộc khu vực cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hàng hóa thí điểm tạm nhập theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu, điểm thông quan được thí điểm tạm nhập bao gồm hợp kim các loại, quặng kim loại, hợp chất kim loại có hàm lượng cao.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm tạm nhập phải được thành lập theo quy định của pháp luật và được Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh và Lạng Sơn lựa chọn.

Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 05/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa.

Thủ tục tạm nhập tái xuất và việc giám sát hàng hóa từ khi tạm nhập đến khi hoàn tất việc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Hải quan số 54/2014/QH13, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Hàng hóa thí điểm tạm nhập của doanh nghiệp phải được tập kết tại các địa điểm kiểm tra trong khu vực cửa khẩu để đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, làm thủ tục của hải quan và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu.

Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn; trách nhiệm của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp thực hiện thí điểm.