Thống nhất giá tính thuế với tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau

PV.

Nhằm thống nhất giá tính thuế một số nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau nhưng tại các địa phương lại có cách tính thuế khác nhau, ngày 12/05/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2017/TT-BTC, quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với các nhóm, loại tài nguyên này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tư 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên theo quy định tại điểm b Khoản 5, Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về giá tính thuế tài nguyên trên cơ sở các nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên quy định. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định chi tiết quy chế xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên.

Trình Bộ Tài chính ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung Khung giá tính thuế tài nguyên đối với các trường hợp quy định. Cụ thể, có 2 trường hợp điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên, là giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành; Và trường hợp phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định trong Khung giá tính thuế tài nguyên.  

Đối với trường hợp giá tài nguyên biến động lớn phải điều chỉnh ngoài Khung giá tính thuế tài nguyên, trong thời gian 30 ngày, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trao đối với Bộ Tài chính trước khi quyết định ban hành văn bản điều chỉnh Bảng giá tính thuế tài nguyên.

Đối với loại tài nguyên mới chưa được quy định trong Khung giá tính thuế tài nguyên, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ giá giao dịch phổ biến trên thị trường hoặc giá bán tài nguyên đó trên thị trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy định bổ sung Bảng giá tính thuế đối với loại tài nguyên này.

Sở Tài chính có trách nhiệm cung cấp thông tin đối với các trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên quy định tại Khoản 1 Điều này và gửi văn bản về Bộ Tài chính để làm căn cứ điều chỉnh Khung giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có phát sinh các trường hợp điều chỉnh, bổ sung Bảng giá tính thuế tài nguyên.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã có yêu cầu Cục thuế các tỉnh phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tại địa phương rà soát, xác định mức giá tính thuế tài nguyên của mỗi loại tài nguyên, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét để tiếp tục áp dụng theo Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh đã ban hành nếu còn phù hợp, hoặc ban hành văn bản điều chỉnh đối với loại tài nguyên trong Bảng giá không còn phù hợp với Khung giá chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày 1/7/2017. 

Trên cơ sở là khung giá tính thuế tài nguyên tài nguyên của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên. Giá tính thuế tài nguyên tại Bảng giá tính thuế tài nguyên phải phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên và lớn hơn hoặc bằng mức giá tối thiểu của nhóm, loại tài nguyên tương ứng quy định tại Khung giá tính thuế tài nguyên. 

Khi có thông tin đầy đủ, các địa phương sẽ có cơ sở để ban hành Bảng giá cho hợp lý, tránh sự cạnh tranh giữa các tỉnh lân cận.   

Thông tư 44/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2017 và không quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện; dầu thô, khí thiên nhiên, khí than.