Xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu

PV.

Ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Nguồn: Internet
Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Nguồn: Internet

Nhằm hướng tới mục tiêu triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14 Quốc hội khóa XIV đã thông qua về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định tại Nghị quyết.

Theo đó, xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong xử lý nợ xấu.

Phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng).

Để chuẩn bị điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện Nghị quyết, tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết, hoàn thành trước ngày 15/8/2017.

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết phải ban hành trước ngày 15/8/2017. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Nghị quyết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp thực hiện các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC theo quy định tại Nghị quyết; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã có hiệu lực pháp luật.

Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xử lý theo quy định tại Nghị quyết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị quyết.

Về vấn đề xử lý nợ xấu liên quan đến ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách trung ương và nợ xấu của chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ.

Chính quyền địa phương có trách nhiệm lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương.

Về thanh tra, giám sát, kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra tổ chức tín dụng, VAMC trong việc thực hiện Nghị quyết.

Về công tác hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ về đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết trước ngày 15/8/2021.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản trị điều hành của tổ chức tín dụng, đặc biệt là quản trị rủi ro; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng cường năng lực thanh tra, giám sát của hệ thống cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về giao dịch bảo đảm.