Chuyển giá nóng bởi những đề xuất “siết chặt”

Theo Phương Anh/tinnhanhchungkhoan.vn

Trước thời điểm dự thảo Luật Quản lý Thuế sửa đổi được trình Quốc hội được đưa ra trình Quốc hội, câu chuyện chuyển giá và các giải pháp đấu tranh với những hành vi trốn thuế liên quan đến lĩnh vực này trở nên nóng bỏng.

Chuyển giá và chống chuyển giá là một trong những vấn đề nổi cộm trong quản lý thuế không chỉ ở Việt Nam, mà của nhiều quốc gia trên thế giới.
Chuyển giá và chống chuyển giá là một trong những vấn đề nổi cộm trong quản lý thuế không chỉ ở Việt Nam, mà của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mạnh tay xử lý nhưng chưa có dấu hiệu giảm

Bộ Tài chính trong những năm gần đây được nhận xét đã rất quan tâm đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý để kiểm soát hoạt động chuyển giá. Với sự ra đời của Thông tư số 66/2010/TT-BTC, lần đầu tiên ở Việt Nam, một văn bản pháp lý về chống chuyển giá được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp khác.

Tiếp đến, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của kỳ nộp thuế được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý rất tốt cho cuộc đấu tranh chống chuyển giá.  Rồi đến Thông tư hướng dẫn Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Bộ Tài chính cũng đã thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng tại Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế và Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng tại một số cục thuế lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Một trong những biện pháp quan trọng trong thực tiễn chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI là tập trung thanh tra các doanh nghiệp liên tục kê khai lỗ kéo dài mà vẫn đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Qua thanh tra, bước đầu, ngành thuế đã phát hiện những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá để tiến hành đấu tranh đảm bảo xác định lại giá chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Trong một số trường hợp, ngành thuế đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xác định đúng giá trị giao dịch, chẳng hạn, phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, tài chính, cơ quan thuế các nước để nắm bắt thông tin về giao dịch kinh tế của các doanh nghiệp…

Số liệu của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, hàng năm, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra kiểm tra từ 200 - 700 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp chuyển giá và thực hiện truy thu thuế. Điển hình là các trường hợp đấu tranh chuyển giá thành công đối với các doanh nghiệp FDI sản xuất - kinh doanh chè ở Lâm Đồng, Keangnam, Hualon Corporation Việt Nam, Metro Việt Nam…

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần trước, chuyển giá cũng trở thành nội dung nóng khi các đại biểu cho rằng, cần phải làm rõ tình trạng doanh nghiệp chuyển giá. Theo báo cáo của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất tốt, doanh thu tăng 28%, tài sản tăng 22% nhưng doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế, lỗ mất vốn tăng rất cao. Đó là một trong những nguyên nhân khiến khu vực này chỉ đạt 83,6% dự toán trong năm qua.

Năm 2018, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra tại các doanh nghiệp và đã xử lý giảm lỗ 40.900 tỷ đồng, thu vào ngân sách nhà nước 19.000 tỷ đồng.   

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận tính nghiêm trọng của chuyển giá. Theo Bộ trưởng, năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra tại các doanh nghiệp và đã xử lý giảm lỗ 40.900 tỷ đồng, thu vào ngân sách nhà nước 19.000 tỷ đồng. 

Luật hóa giải pháp chống chuyển giá

Theo ông Doãn Anh Thơ, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực IV, các văn bản chính sách về thuế liên quan đến hoạt động chuyển giá, các văn bản hướng dẫn việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết chưa làm giảm nhiều hoạt động chuyển giá.

Trên thực tế, còn rất nhiều vướng mắc trong quy định về giao dịch liên kết, chẳng hạn như quy định về chi phí thanh toán cho bên liên kết là đối tượng cư trú của một nước hoặc vùng lãnh thổ không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, không góp phần tạo ra doanh thu, giá trị giá tăng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế.

Hiện có quy định về tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhưng lại chưa có hướng dẫn rõ các loại giao dịch liên kết đặc thù; loại trừ trên tổng lãi vay hay trên lãi vay phân bổ cho giao dịch liên kết có được trừ lãi tiền gửi khi xác định chi phí lãi vay khống chế…

Một hạn chế khác là kết quả xử lý truy thu thuế của các cơ quan thanh tra, kiểm toán chủ yếu dựa vào quá trình làm việc, hiệp thương với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, mà chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để xử lý hoạt động chuyển giá theo quy định.

Kiến nghị những giải pháp để xử lý hiệu quả hơn hành vi này, giới chuyên gia cho rằng, cần quy định rõ hơn các quy định về kiểm soát chuyển giá. Bởi lẽ, chuyển giá và kiểm soát chuyển giá là một trong những vấn đề nổi cộm trong quản lý thuế không chỉ ở Việt Nam, mà của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những vấn đề về kiểm soát chuyển giá đối với các giao dịch liên kết của các tập đoàn đa quốc gia.

Trước khi đưa vào dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) thì các quy định về quản lý thuế đối với giao dich liên kết của Việt Nam mới ở cấp độ pháp lý cao nhất là Nghị định của Chính phủ. Việc đưa vào dự án Luật nội dung này là rất cần thiết, nhằm nâng cao tính pháp lý trong quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác đấu tranh phòng ngừa chuyển giá.

Trong Điều 42 của dự án Luật về nguyên tắc khai thuế và tính thuế đã bổ sung một số khoản quy định về các nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế trong kê khai thuế đối với giao dịch liên kết. Tuy vậy, các nội dung trong dự án Luật chưa quy định bao quát hết những vấn đề cốt yếu của quản lý thuế đối với giao dịch liên kết và một số vấn đề thực tiễn phát sinh chưa tính đến đầy đủ khi xác định nội dung quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.

PGS.,TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, cần bổ sung vào dự án Luật một chương về “Quản lý thuế đối với giao dịch liên kết”. Trong chương này, cần có các điều khoản quy định những nội dung cơ bản nhất về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.

Đó là đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định pháp luật về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, nguyên tắc định giá chuyển giao khi doanh nghiệp  có giao dịch liên kết, các phương pháp định giá theo nguyên tắc giao dịch độc lập, nguyên tắc kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

Cần bổ sung đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quản lý thuế đối với những giao dịch liên kết, không chỉ giao dịch giữa các doanh nghiệp liên kết, mà cả giao dịch giữa doanh nghiệp với cá nhân có mối quan hệ liên kết thuộc phạm vi áp dụng của quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Bổ sung quy định này là nhằm góp phần hạn chế các hành vi chuyển giá nhằm giảm nghĩa vụ thuế thông qua các giao dịch liên kết giữa doanh nghiệp với cá nhân.

Ông Trường cũng kiến nghị, cần mở rộng phạm vi áp dụng đối với các giao dịch liên kết không chỉ đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cần áp dụng đối với cả thuế tiêu thụ đặc biệt để thống nhất các định nghĩa và quy định về xác định giá tính thuế giữa các sắc thuế trong một hệ thống thuế khi việc xác định giá giao dịch có liên quan đến cả thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp (do thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế tiêu dùng một giai đoạn và lại là sắc thuế có thuế suất cao nên khả năng chuyển giá nhằm tránh thuế cũng tương tự như đối với thuế thu nhập doanh nghiệp có chênh lệch thuế suất và ưu đãi thuế).

Tương tự, cũng cần quy định rõ những trường hợp nào là giao dịch liên kết đặc thù phải áp dụng các quy định đặc biệt về quản lý thuế để tránh gây tranh cãi trong tổ chức thực hiện.