Cơ chế, chính sách tài chính đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lĩnh vực di sản văn hóa đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển các loại hình hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các chính sách về di sản văn hóa nói chung, cơ chế tài chính cho công tác bảo tồn di sản văn hóa nói riêng vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nên chưa phát huy hết tiềm năng của lĩnh vực này. Từ thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, bài viết đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách tài chính trong công tác bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
Thực tiễn triển khai cơ chế, chính sách tài chínhđối với công tác bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam
Tổng quan về di sản văn hóa Việt Nam
Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, cả nước có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa (DSVH), trong đó có 8 di tích và thắng cảnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục DSVH và Thiên nhiên Thế giới; 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.486 di tích quốc gia và gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Việt Nam đã có 8 khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO ghi vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Trong lĩnh vực phi vật thể, hiện nay, có 61.669 DSVH phi vật thể của 63 tỉnh/thành phố được kiểm kê, cho thấy sự đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học, trong đó, có 301 DSVH phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia và 12 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh. Về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, qua 7 đợt xét chọn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 164 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Ngoài ra, Theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, tính đến nay, Việt Nam có 07 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 03 Di sản Tư liệu Thế giới và 04 Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Việc bảo tồn và phát triển DSVH không những có chức năng định hình nền văn hóa của Việt Nam, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng du lịch. DSVH khi được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác phát triển du lịch, mang lại nguồn thu lớn phát triển kinh tế các địa phương. Năm 2018, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đón 4,1 triệu khách, trong đó có 2,82 triệu khách quốc tế, doanh thu đạt 1.184 tỷ đồng; Tràng An (Ninh Bình) đón 6,25 triệu khách, trong đó có 700 nghìn khách quốc tế, doanh thu đạt 665,8 tỷ đồng; Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) đón 3,5 triệu khách, trong đó có 2,3 triệu khách quốc tế, doanh thu đạt 375 tỷ đồng; Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đón 1,6 triệu khách, doanh thu 46 tỷ đồng... Ngoài việc mang lại nguồn thu lớn, hoạt động đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác phát triển du lịch còn tác động rất lớn đến an sinh xã hội các địa phương, giải quyết đáng kể công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng. Ở nhiều địa phương, DSVH đã góp phần lớn trong việc dịch chuyển và thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ...
Cả nước hiện có 167 bảo tàng, bao gồm 125 bảo tàng công lập và 42 bảo tàng ngoài công lập, là nơi lưu giữ và phát huy giá trị của hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, là điểm đến thường xuyên của các tuyến du lịch. Riêng năm 2017-2018, tổng số khách tham quan bảo tàng đạt khoảng 16,5 triệu lượt. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam liên tục được website Trip Advisor xếp vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được vinh danh trong top 10 những bảo tàng được du khách bình chọn tốt nhất trên thế giới năm 2018 và là đại diện duy nhất của châu Á được vinh danh.
Vấn đề đặt ra trong triển khai cơ chế, chính sách tài chính đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam
Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, cũng như chất lượng của DSVH Việt Nam một phần là do thời gian qua Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển văn hóa, trong đó bao gồm nội dung bảo tồn và phát triển giá trị DSVH, cụ thể như:
Luật DSVH năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DSVH năm 2009 và Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật, trong đó quy định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hoá phi vật thể có giá trị tiêu biểu; Nhà nước đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu bảo tồn các di sản văn hoá tiêu biểu; thực hiện các chính sách ưu đãi về tinh thần và vật chất đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt...”.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số đề án liên quan đến bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa như: Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005; Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011; Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 tại Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016; đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa từ năm 2001 đến nay.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí cho sự nghiệp văn hóa thông tin (chi thường xuyên của trung ương và địa phương) với tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 2016-2019 là khoảng 10%, cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước (khoảng 9%), cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên ngân sách nhà nước (khoảng 7%).
Kinh phí bố trí cho các hoạt động bảo tồn và phát triển giá trị của DSVH được giao chung trong các lĩnh vực chi chi sự nghiệp văn hóa thông tin và theo phân cấp ngân sách hiện hành; bố trí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các Đề án, dự án có liên quan bảo đảm phát huy nguồn lực về tài chính để phát triển DSVH. Đặc biệt, 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây với tổng dự toán kinh phí thực hiện là 18.019 tỷ đồng, trong đó dự toán kinh phí cho dự án Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH là 12.419 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các cơ chế, chính sách tài chính cho công tác bảo tồn di sản văn hoá, cụ thể là nguồn kinh phí thực tế phân bổ cho chương trình mục tiêu phát triển văn hóa nói chung, cũng như nguồn lực cho bảo tồn và phát triển DSVH nói riêng chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Kinh phí đầu tư cho bảo tồn, phát triển di sản còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu, vì vậy, việc tu bổ, phục hồi các di sản mới chỉ dừng lại ở mức cầm cự trước mắt, chưa được đặt trong tinh thần bền vững lâu dài để có sức hấp dẫn thu hút khách tham quan, nên việc tạo nguồn thu tái đầu tư cho phát triển DSVH còn hạn chế.
Việc bố trí kinh phí cho các hoạt động chuyên môn như kiểm kê, tư liệu hóa DSVH phi vật thể và lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể còn ít, nên nhiều bài bản cổ và hình thức trình diễn, kỹ năng thực hành di sản dần mai một.
Nhiều địa phương có nguồn thu thấp nên khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ truyền dạy, đãi ngộ thường xuyên đối với nghệ nhân, dẫn tới nguy cơ thất truyền một số loại hình DSVH phi vật thể. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào bảo vệ DSVH còn hạn chế, chưa tận dụng được nguồn vốn tiềm năng này…
Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu là do còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai cơ chế, chính sách tài chính cho công tác bảo tồn di sản văn hoá, dẫn đến tình trạng không thu hút, tập trung được nguồn lực tài chính đáp ứng cho nhu cầu bảo vệ và phát triển DSVH.
Mặc dù, Luật DSVH ra đời đã xác định rất rõ trách nhiệm, cũng như sự quan tâm của Nhà nước đối với việc định hướng đầu tư nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành một cách đầy đủ và đồng bộ. Các cơ chế, chính sách tài chính cho công tác bảo tồn DSVH mới dừng lại ở những quy định chung chung hoặc chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa có tính tổng thể; chỉ mới được ghi nhận trên một số khía cạnh như chi hỗ trợ cho các nghệ nhân, chi khai quật, chi khảo cổ... Đồng thời, việc bố trí kinh phí cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH tại một số đề án, dự án lớn của Chính phủ lồng ghép đan xen lẫn nhau, dẫn đến kinh phí thực tế dành cho DSVH là không lớn, không thực hiện được hết các mục tiêu, nhu cầu đặt ra; một số đề án còn bị bỏ ngỏ.
Theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành thì khoản tài trợ của doanh nghiệp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập của doanh nghiệp như: Đối với với các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tại... Điều này phần nào tác động tới việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn DSVH.
Thực tiễn cho thấy, còn thiếu cơ chế, chính sách tài chính nhằm hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương cho công tác bảo vệ và phát triển giá trị DSVH cũng như việc quy định cụ thể về việc trích lại một tỷ lệ nhất định của nguồn thu từ du lịch có sự khai thác liên quan đến DSVH để tái đầu tư, tu bổ, bảo tồn DSVH. Nguồn nhân lực quản lý DSVH còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.
Một số giải pháp đề xuất
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách tài chính cho công tác bảo tồn DSVH như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách tài chính trong lĩnh vực bảo vệ và quản lý DSVH trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ tài chính để đầu tư cho việc bảo tồn các DSVH.
Thứ hai, tổng hợp, đánh giá các đề án, dự án về bảo tồn, phát triển DSVH đã và đang thực hiện để đề xuất xây dựng các dự án trong thời gian tới nhằm đảm bảo tính khả thi, hạn chế tối đa tình trạng ban hành tràn lan và lồng ghép các cơ chế chính sách tài chính, cũng như việc bố trí kinh phí thực hiện, khi chưa cân đối được nguồn.
Thứ ba, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc xem xét bổ sung các cơ chế ưu đãi về thuế, về đầu tư cho các doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ và phát triển DSVH.
Thứ tư, nghiên cứu việc thành lập Quỹ chung về bảo tồn DSVH có tính chất liên kết và hỗ trợ đối với các địa phương trên cả nước có DSVH.
Thứ năm, bố trí kinh phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng nơi có DSVH để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp cận của khách du lịch, khách tham quan.
Thứ sáu, có cơ chế cụ thể hơn về việc giữ lại một phần lợi nhuận thu được từ khách tham quan để tái tu bổ cho di tích.
Thứ bảy, xác định và thúc đẩy các cơ hội đầu tư công và tư trong các dự án phát triển bền vững thúc đẩy các ngành văn hóa và sáng tạo của địa phương và bảo vệ các di sản.
Thứ tám, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực dựa trên sự đổi mới, sự gắn kết và các chính sách phát triển địa phương nhằm thúc đẩy khôi phục DSVH.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn;
2. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
3. The Preservation and Enhancement of Cultural Heritage in the Mediterranean of Dr Nathaniel Copsey, Dr Carolyn Rowe.