Điểm mới trong thi tuyển công chức


Ngày 29/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, quy định về thi tuyển công chức có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2019.

 Thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức. Nguồn: Internet
Thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức. Nguồn: Internet

Điều kiện trúng tuyển

Theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ hai điều kiện: Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên; Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển. Sau khi có kết quả điểm thi vẫn không xác định được, thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Điểm thay đổi đáng lưu ý trong Nghị định là Chính phủ thông qua việc thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức. Theo đó, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2 thay vì cộng 30 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển như quy định tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP.  Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2 thay vì cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển...

Ngoài ra, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về các môn thi và hình thức thi. Theo đó, thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi là thi trắc nghiệm và thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Vòng 1, thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy.

Vòng 2, thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, được tổ chức thi phỏng vấn hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Nội dung thi về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Nghị định còn quy định rõ về điều kiện miễn thi một số môn. Cụ thể, miễn thi ngoại ngữ đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam; Người dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận. Miễn phần thi tin học với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên.

Cách tính điểm và thời gian thi tuyển

Về cách tính điểm, theo Nghị định, kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi quy định nêu trên, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức thi vòng 1 trên máy vi tính thì phải thông báo kết quả cho thí sinh được biết ngay sau khi làm bài thi trên máy vi tính; Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1 trên máy vi tính.

Về hình thức và thời gian thi tuyển công chức, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức thi vòng 1 trên giấy thì việc chấm thi thực hiện như sau: Chậm nhất là 15 ngày sau ngày kết thúc thi vòng 1 phải hoàn thành việc chấm thi vòng 1; chậm nhất là 5 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 phải công bố kết quả điểm thi để thí sinh dự thi biết và thông báo việc nhận đơn phúc khảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả điểm thi trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức.

Trường hợp có đơn phúc khảo thì chậm nhất là 15 ngày sau ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo phải hoàn thành việc chấm phúc khảo và công bố kết quả chấm phúc khảo để thí sinh dự thi được biết. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn trong quá trình tổ chức chấm thi, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định kéo dài thời hạn thực hiện các công việc này nhưng không quá 15 ngày.

Chậm nhất là 5 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo triệu tập thí sinh dự thi vòng 2. Chậm nhất là 15 ngày sau ngày thông báo triệu tập thí sinh được tham dự vòng 2 thì phải tiến hành tổ chức thi vòng 2.