Điểm mới về chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước

Nguyễn Thị Hoài - Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước (Kho bạc Nhà nước)

Chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước là sự đáp ứng và triển khai dưới góc độ kế toán cho các yêu cầu mới về quản lý ngân sách tài chính trong bối cảnh ngành Tài chính, Kho bạc Nhà nước tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ trong triển khai, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Qua quá trình nghiên cứu thực tiễn và các chính sách hiện hành, Kho bạc Nhà nước đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.

Thông tư 77/2017/TT-BTC là bước hoàn thiện hơn nữa về chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, sau khi ngành Tài chính triển khai, vận hành thành công Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và nghiệp vụ kho bạc (TABMIS). Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/9/2017, áp dụng từ năm ngân sách 2017 và thay thế Thông tư 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 về việc hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống TABMIS.

Thông tư 77/2017/TT-BTC được xây dựng với kết cấu chặt chẽ hơn; Khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư 08/2013/TT-BTC trước đây với những điểm nhấn quan trọng.

Các quy định chung

Một số đoạn mã trong Mục lục ngân sách nhà nước

Về mã ngành kinh tế: Trước đây, dự toán phân bổ cấp 0 của chi xây dựng cơ bản không chi tiết theo 13 lĩnh vực chi, chỉ phân bổ đến nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản, không chi tiết đến lĩnh vực.

Theo Luật Ngân sách nhà nước 2015, các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được quy định tại Điều 36, Điều 38 Luật Ngân sách nhà nước. Trong đó, đối với nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản được chi tiết theo 13 lĩnh vực chi ở cấp 0: Quốc phòng, an ninh, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ…  như các lĩnh vực của chi thường xuyên mục đích là để phục vụ chi tiết, hiệu quả hơn cho công tác quản lý tài chính ngân sách, kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cùng với các yêu cầu quản lý khác, Mục lục ngân sách nhà nước cần phải được quy định lại cho phù hợp với việc hạch toán kế toán dự toán và thu, chi ngân sách nhà nước. Do vậy, Thông tư 77/2017/TT-BTC đã bỏ quy định về mã nhiệm vụ chi và quy định hạch toán mã ngành kinh tế theo loại, khoản, phù hợp với Thông tư 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 quy định hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước.

Cụ thể: Mã Loại dùng để dự toán, hạch toán chi ngân sách nhà nước theo lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; mã Khoản là chi tiết cho từng Loại theo từng hoạt động kinh tế - xã hội giao các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước

Về mã nguồn ngân sách nhà nước: Những năm vừa qua, nhu cầu về vốn ODA của Việt Nam rất lớn để thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế trong nước. Tuy nhiên, cơ chế giải ngân vốn ODA hiện còn phức tạp, trình tự, thủ tục giải ngân đối với mỗi nhà tài trợ có sự khác biệt nhất định, gây khó khăn trong xây dựng dự toán vốn ODA.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã quy định “Chi đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ chưa được dự toán hoặc vượt so với dự toán được giao, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Đồng thời, từ tháng 6/2016, khi Quốc hội xem xét phê chuẩn Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước niên độ 2014, để đảm bảo đủ thủ tục quyết toán ngân sách nhà nước, Quốc hội yêu cầu: Các khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước đầu năm, hoặc được bổ sung trong năm theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở kết quả thực tế giải ngân vốn ODA, Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 là 30 nghìn tỷ đồng, đảm bảo đủ điều kiện quyết toán đối với số giản ngân vốn ODA vượt dự toán. Bên cạnh đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ đối với nguồn vốn ODA.

Để phục vụ yêu cầu quản lý vốn ODA đảm bảo đúng quy định, Thông tư 77/2017/TT-BTC yêu cầu cần chi tiết theo các mã nguồn ghi thu, ghi chi vốn vay ngoài nước, viện trợ ngân sách trung ương để đầu tư cho các chương trình, dự án (mã nguồn 52); Ghi thu, ghi chi vốn vay ngoài nước, viện trợ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (mã nguồn 53); Ghi thu, ghi chi vốn vay ngoài nước, viện trợ của Chính phủ cho ngân sách địa phương vay lại (mã nguồn 54)...

Một số quy định pháp lý khác

Về con dấu sử dụng trên chứng từ kế toán: Thông tư 77/2017/TT-BTC bổ sung chi tiết quy định về sử dụng con dấu “Phòng giao dịch”, “Điểm giao dịch” để thực hiện các nghiệp vụ kế toán, thanh toán trong hệ thống Kho bạc Nhà nước và giao dịch với khách hàng, đảm bảo tính pháp lý của chứng từ khi thực hiện các giao dịch.

Việc bổ sung quy định về sử dụng con dấu “phòng giao dịch”, “điểm giao dịch” để đảm bảo thống nhất và tính pháp lý đầy đủ trong việc sử dụng các con dấu của Kho bạc Nhà nước.

Nội dung quy định về con dấu của “phòng giao dịch” và “điểm giao dịch” cũng đã được quy định tại Thông tư 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Về thời điểm chốt số liệu để nộp báo cáo tài chính: Thông tư quy định, thời điểm chốt số liệu báo cáo tài chính tháng, năm (12 tháng) là ngày 05 của tháng tiếp theo - lấy theo ngày kết sổ (thay vì ngày 10 theo Thông tư 08/2013/TT-BTC), để đảm bảo cung cấp số liệu kịp thời, phục vụ yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

Mẫu chứng từ kế toán

Toàn bộ chứng từ kế toán được rà soát và chỉnh sửa theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện, cập nhật mẫu biểu, để đáp ứng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, cụ thể:

- Đáp ứng yêu cầu thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi qua Kho bạc Nhà nước: Nhằm tiếp tục cải cách hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và tạo điều kiện thuận cho khách hàng giao dịch, từ 1/10/2017, hệ thống Kho bạc Nhà nước triển khai quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Theo đó, các khoản chi thường xuyên và đầu tư được thực hiện kiểm soát qua một đầu mối thống nhất (một cửa) là Phòng (bộ phận) Kiểm soát chi tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước; thay vì trước đây là Phòng (bộ phận) Kiểm soát chi kiểm soát các khoản chi đầu tư và Phòng (bộ phận) Kế toán kiểm soát các khoản chi thường xuyên. Đây là một bước cải cách đột phá của Kho bạc Nhà nước với mục tiêu tăng cường cải cách hành chính, vì hiệu quả chung của xã hội.

Để đảm bảo thực hiện quy trình này về mặt kế toán, Thông tư 77/2017/TT-BTC đã bổ sung phần ký của Bộ phận Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước trên một số chứng từ, để đảm bảo thực hiện theo quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

- Đáp ứng yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa cho khách hàng giao dịch với Kho bạc Nhà nước: Tách một số chứng từ để thuận lợi cho khách hàng trong thực tế phát sinh nghiệp vụ như tách Giấy rút dự toán ngân sách (C2-02/NS) thành Giấy rút dự toán ngân sách sử dụng trong trường hợp có và không có khấu trừ thuế; Tách Ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử (C4-02) thành Ủy nhiệm chi sử dụng trong trường hợp có hoặc không có ngoại tệ, đối với trường hợp chi bằng VND; Tách trường hợp có hoặc không có khấu trừ thuế...

Bên cạnh đó, các mẫu biểu chứng từ cũng được thiết kế và quy định phù hợp với giao dịch điện tử giữa đơn vị giao dịch và Kho bạc Nhà nước qua dịch vụ công điện tử Kho bạc Nhà nước, thống nhất cả với giao dịch giấy và điện tử.

Cùng với Thông tư 77/2017/TT-BTC, hiện Kho bạc Nhà nước đang trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước nhằm đáp ứng đủ quy trình điện tử hóa này. Thông tư này dự kiến ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2018.

Hệ thống tài khoản kế toán

Với nhiệm vụ hạch toán kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, thời gian qua, hệ thống tài khoản kế toán đã được bổ sung, sửa đổi tương đối nhiều để đáp ứng yêu cầu quản lý như: Yêu cầu theo dõi về phí, lệ phí theo Luật Phí, lệ phí; Phản ánh về hoàn thuế GTGT; Ghi thu, ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; Nhiệm vụ chi dự trữ quốc gia theo quy định của Luật ngân sách nhà nước 2015; Vận hành diện rộng thanh toán điện tử liên ngân hàng và các hệ thống thanh toán điện tử của Kho bạc Nhà nước... Một số thay đổi điển hình có thể đề cập tới như:

(i) Bổ sung các tài khoản dự toán, tạm ứng và chi dự trữ quốc gia theo yêu cầu tại Điều 36 của Luật ngân sách nhà nước 2015, chi dự trữ quốc gia là một nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, tương tự như nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

(ii) Tách tài khoản tiền gửi thu phí, lệ phí và tài khoản tiền thu sự nghiệp khác để kiểm soát theo yêu cầu quản lý của Luật Phí, lệ phí và từng khoản kinh phí.

(iii) Các tài khoản liên quan đến vay nợ: Bổ sung tài khoản vay dài hạn nước ngoài ghi thu, ghi chi trong hạn (TK 3644); Tài khoản Phải trả về tiền vay hỗ trợ ngân sách đã được nhận nợ (TK 3651); Phải trả tiền vay của Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại đã được nhận nợ (TK 3653); Bổ sung tài khoản Phải trả tiền vay của Chính phủ vay về cho dự án vay lại đã được nhận nợ (TK 3654)... để đảm bảo theo dõi đầy đủ các hình thức vay và vay về cho vay lại hiện nay theo quy định của Thông tư 111/2015/TT-BTC.

(iv) Các tài khoản liên quan đến dự toán các khoản ghi thu, ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài: Bổ sung tài khoản 9625 - Dự toán chi chuyển giao ghi thu, ghi chi đầu tư xây dựng cơ bản giao trong năm; Tài khoản 9629 - Dự toán chi chuyển giao ghi thu, ghi chi từ nguồn viện trợ giao trong năm để đảm bảo quản lý, theo dõi được toàn bộ dự toán các các khoản chi từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài như đã nêu.

(v) Sửa tên các tài khoản thuộc Nhóm 53 - Chênh lệch cân đối thu chi và nợ vay chờ xử lý thành “Nợ vay chờ xử lý” để phù hợp với quy định Luật ngân sách nhà nước 2015, liên quan đến khoản nợ vay được tách riêng không được tính vào thu ngân sách nhà nước và quy định về bội chi ngân sách. Do vậy, sau khi tính toán cân đối thu, chi không đưa vào nhóm tài khoản 5311 như trước mà sẽ song song thực hiện độc lập theo yêu cầu quản lý.

(vi) Cập nhật và sắp xếp tên và mã các tài khoản liên quan đến thanh toán với ngân hàng, phục vụ cho việc triển khai, vận hành toàn bộ các hệ thống thanh toán điện tử của Kho bạc Nhà nước, trong nội bộ cũng như với Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại...

Ngoài ra, trên cơ sở thực tế, Thông tư 77/2017/TT-BTC đã sửa đổi bổ sung một số nội dung cho phù hợp như: Bổ sung tài khoản 1624 - Tạm ứng kinh phí chi thường xuyên không tự chủ, không giao khoán đủ điều kiện thanh toán bằng dự toán trung gian để phục vụ cho việc hạch toán chuyển số dư chi thường xuyên từ nguồn tạm ứng sang năm tiếp theo.

Đồng thời bỏ một số tài khoản không còn sử dụng như: Tài khoản liên quan đến dự toán, chi kinh phí ủy quyền, các tài khoản ứng trước kinh phí khác và ứng trước kinh phí trung gian khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015...

Mẫu biểu báo cáo tài chính, báo cáo quản trị

Các báo cáo dự toán, báo cáo thu, báo cáo chi trong Thông tư 77/2017/TT-BTC được bổ sung, sửa đổi, đáp ứng yêu cầu quản lý của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, phù hợp với mẫu biểu báo cáo ban hành kèm theo Nghị quyết 343/2017/NQ-UBTVQH14 ngày 19/01/2017 quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, trong khả năng theo dõi TABMIS, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành cũng như nhu cầu thông tin của các cấp lãnh đạo, cơ quan liên quan.

Các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị cũng được quy định theo hướng tăng cường điện tử hóa, giảm thiểu gửi báo cáo giấy cho các cơ quan chức năng, thay vào đó gửi file để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, công sức và thời gian do phải gửi báo cáo giấy.

Bên cạnh đó, Thông tư 77/2017/TT-BTC cũng đã loại bỏ một số báo cáo phục vụ cho việc quản trị và đưa vào quy định trong Công văn hướng dẫn Thông tư 77/2017/TT-BTC (Công văn của Kho bạc Nhà nước – đối với các báo cáo quản trị phục vụ cho các yêu cầu quản lý nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước như các báo cáo thanh toán...); Bổ sung một số báo cáo cần thiết phục vụ cho yêu cầu quản lý phát sinh trong thời gian qua...

Tổ chức bộ máy kế toán và tổ chức công tác kế toán

2017 là năm hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục có những cải cách về quy trình nghiệp vụ, nhất là việc triển khai thống nhất quy trình một đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước. Do vậy, Thông tư 77/2017/TT-BTC đã quy định cụ thể về tổ chức bộ máy kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, trong đó tập trung vào tổ chức kế toán tại hệ thống Kho bạc Nhà nước theo các định hướng nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các cải cách trên.

Tại Kho bạc Nhà nước, chức năng nhiệm vụ của Cục Kế toán nhà nước được bổ sung, đảm bảo đúng vai trò tổ chức, thực hiện, quản lý kế toán của toàn hệ thống. Một số nhiệm vụ kế toán của Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước trước đây (dưới góc độ thực hiện kế toán cho toàn hệ thống) được chuyển về thực hiện tại Cục Kế toán nhà nước. Tại địa phương, ở Kho bạc cấp tỉnh, nhiệm vụ của Phòng (bộ phận) kế toán không còn thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên. Tại Kho bạc cấp huyện, về cơ bản được tổ chức làm việc theo chế độ chuyên viên...

Theo đó, Kho bạc Nhà nước đã giảm được nhiều đầu mối về tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, yêu cầu mới về luân chuyển, ghi chép, lưu trữ chứng từ kế toán, vai trò và mối quan hệ giữa kiểm soát chi và kế toán tại tỉnh, huyện... được đặt ra, đòi hỏi cần có tiếp cận mới về tổ chức bộ máy và công tác kế toán đã được quy định cụ thể tại Thông tư 77/2017/TT-BTC.

Nhìn chung, Thông tư 77/2017/TT-BTC đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung cơ bản liên quan đến chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu quản lý mới trong lĩnh vực tài chính ngân sách và tăng cường cải cách hành chính theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Các nội dung hướng dẫn chi tiết để thực hiện Thông tư 77/2017/TT-BTC đã và đang được Kho bạc Nhà nước thể hiện cụ thể bằng các Công văn hướng dẫn, để trình cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho công tác thực hiện trong thời gian tới.        

Tài liệu tham khảo

1. Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn với nhiều điểm mới về quản lý ngân sách nhà nước;

2. Luật Kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn;

3. Nghị định 24/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước;

4. Thông tư 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước;

5. Thông tư 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 về việc hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống TABMIS;

6. Thông tư 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước;

7. Nghị quyết 434/2017/NQ-UBTVQH ngày 19/01/2017 quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia...