HƯỚNG DẪN BẠN ĐỌC

Bảo vệ quyền lợi người lao động, người tiêu dùng

LH

(Tài chính) Vừa qua, bạn đọc FinancePlus.vn (tapchitaichinh.vn) đã hỏi chúng tôi một số câu hỏi liên quan đến quyền lợi của người lao động, người tiêu dùng… Chúng tôi đã liên hệ và trả lời trực tiếp cho bạn đọc qua hòm thư điện tử. Để các đọc giả khác (có các thắc mắc tương tự) cũng nắm được vấn đề, FinancePlus.vn xin nêu lại các câu trả lời cho từng trường hợp cụ thể như sau:

Bảo vệ quyền lợi người lao động, người tiêu dùng - Ảnh 1
Tòa án có vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ảnh minh họa. Nguồn: internet


Ngày 27/11/2013, bạn đọc ở địa chỉ thư điện tử contieptuc@yahoo.com.vn   hỏi: Gia đình tôi sống ở tỉnh Hoà Bình. Vừa rồi tôi có mua tivi hiệu toshiba LCD 40 inch, giá 9 triệu đồng ở một của hàng huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi mới dùng chiếc tivi này hơn 1 năm đã phải mất ba lần bảo hành, mỗi lần bảo hành mất hơn hai tháng. Hiện tại, Tivi của tôi đang phải đi bảo hành hơn 3 tháng nay, vẫn chưa được trả lại. Tôi không biết kêu ai ngoài việc thúc giục chủ của hàng bán tivi nhanh chóng sửa chữa trả lại cho chúng tôi sử dụng. Nơi nào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xin TCTC chỉ dẫn cho tôi với ?

Chúng tôi hướng dẫn Bạn đọc như sau: Ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật số 59/2010/QH12 của Quốc hội: Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (nội dung có thể xem cụ thể tại đây L59QH.DOC). Trong Luật đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu quyền lợi của bạn bị xâm phạm, bạn có thể đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi bạn ở để tiến hành khiếu nại. Bạn có thể vào trang http://bvntd.vca.gov.vn/Complaint/Guide.aspx để tìm hiểu thêm thông tin về quy trình khi tham gia khiếu nại do Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương hướng dẫn.
Chúc bạn thành công.

Ngày 31/11/2013, bạn đọc ở địa chỉ thư điện tử dao_hang80@yahoo.com đã viết: Khi người lao động trong thời gian nghỉ ốm đau, sức khỏe còn yếu nhưng công ty lại bắt buộc người lao động phải nghỉ việc, như vậy có đúng không? Nếu công ty bắt buộc người lao động phải nghỉ việc thì phải bồi thường cho người lao động như thế nào?

Bảo vệ quyền lợi người lao động, người tiêu dùng - Ảnh 2

Bảo về quyền lợi người lao động là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những điều bạn hỏi chúng tôi có thể hướng dẫn bạn như sau: Nếu bạn đang nghỉ ốm mà cơ quan lại yêu cầu nghỉ việc, bạn có thể đến cơ quan Bảo hiểm xã hôi, Bảo hiểm y tế để hỏi rõ về quyền lợi của mình. Mọi chế độ đối với người lao động đang trong thời gian nghỉ ốm như thời gian nghỉ dưỡng bệnh, chế độ chi trả ra sao đều được nêu rõ trong Điều 26 của Luật BHXH quy định về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau như trong bàiChính sách hỗ trợ người lao động bị ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo” chúng tôi đã đăng trên FinancePlus.vn  trong Cơ chế chính sách tài chính (chuyên mục Bộ Tài chính trả lời) ngày 07/08/2013.

Câu hỏi của bạn chưa cung cấp thông tin cụ thể, vì, ngoài vấn đề bạn đang nghỉ ốm ra, còn các yếu tố khác như thời gian lao động của bạn; loại hợp đồng  bạn đã ký kết với đơn vị?; Bạn đóng góp ra sao cho cơ quan đơn vị; Tinh thần thái độ, kỷ luật lao động của bạn; Tình hình tài chính, nhân sự của cơ quan bạn công tác?... cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan đối với bạn.

Bạn có thể nghiên cứu kỹ Bộ Luật lao động (Luật số 10/2012/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012,  có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2013) để nắm rõ thêm quyền hạn và trách nhiệm của mình cũng như trách nhiệm của cơ quan thuê bạn làm việc để có cách xử lý đúng đắn. Nếu đơn vị làm chưa đúng bạn có thể gửi Đơn khiếu nại đến Thanh tra lao động cơ sở hoặc gửi Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của địa phương nơi bạn công tác (nếu yêu cầu, khiếu nại của bạn chưa được cơ sở giải quyết).

Thủ tục khiếu nại phải tuân theo quy định tại Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một điều của Bộ luật Lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động (Bạn có thể vào trang http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh-04-2005-ND-CP-khieu-nai-to-cao-ve-lao-dong-huong-dan-Bo-luat-Lao-dong-vb52740.aspx  để xem trực tiếp).

Chúc bạn sức khỏe và thành công.