Bộ Tài chính trả lời kiến nghị cử tri về miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp

PV. (Tổng hợp)

Cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét có chính sách miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các đơn hàng cơ khí xuất khẩu đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học và công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng cơ khí chế tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Công văn số 768/BTC-CST ngày 18/01/2017, Bộ Tài chính đã giải đáp vấn đề nêu trên của cử tri TP. Hải Phòng, cụ thể:

Pháp luật thuế TNDN quy định ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghệ cao ở mức cao nhất trong khung ưu đãi của pháp luật thuế (thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN).

Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam được miễn thuế TNDN.

Trước ngày 01/01/2015, pháp luật thuế TNDN không có chính sách ưu đãi riêng đối với công nghiệp hỗ trợ. Từ ngày 01/01/2015, theo Luật số 71/2014/QH13 thì thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo nếu đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại Luật.

(Các tiêu chí quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 như sau:

- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao;

- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.

Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ.).

Đối với dự án đầu tư mở rộng nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật số 32/2013/QH13 thì được lựa chọn ưu đãi theo dự án ban đầu cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được hưởng ưu đãi theo đầu tư mở rộng.

Trường hợp các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng mà không đáp ứng điều kiện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nêu trên nhưng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư thì được hưởng ưu đãi theo lĩnh vực, địa bàn tương ứng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 406/TTr-CP ngày 14/10/2016 trình Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có giải pháp giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.