Căn cứ xác định nhà thầu có hành vi thông thầu

Theo chinhphu.vn

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Ban QLDA Đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý tình huống hồ sơ dự thầu của hai nhà thầu có một số nội dung thuộc phần đề xuất kỹ thuật hoàn toàn giống nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Gói thầu X, đấu thầu lần 1 được chủ đầu tư phê duyệt hủy thầu do các nhà thầu tham dự thầu không đáp ứng về năng lực và kinh nghiệm. Trong lần 1 này, có nhà thầu liên danh công ty A và công ty B tham dự.

Khi đấu thầu lần 2, công ty A tham dự thầu với tư cách là thành viên đứng đầu liên danh của liên danh nhà thầu 1 (thành viên liên danh không phải là công ty B nêu trên). Công ty B tham dự thầu với tư cách là thành viên đứng đầu liên danh của liên danh nhà thầu 2 (thành viên liên danh không phải là công ty A nêu trên).

Hồ sơ dự thầu của liên danh nhà thầu 1 và liên danh nhà thầu 2 có nội dung các phần tài liệu đề xuất kỹ thuật (như giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công, biện pháp bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động) hoàn toàn giống nhau nhưng không hoàn toàn giống với nội dung hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh công ty A và công ty B trong đấu thầu lần 1.

Căn cứ Điểm b, Khoản 3, Điều 89 của Luật Đấu thầu, tổ chuyên gia đánh giá liên danh nhà thầu 1 và liên danh nhà thầu 2 có hành vi “thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu”.

Ban QLDA Đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh hỏi, tổ chuyên gia đánh giá liên danh nhà thầu 1 và liên danh nhà thầu 2 có hành vi “thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu” có đúng theo Điểm b, Khoản 3, Điều 89 của Luật Đấu thầu không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Trường hợp trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia, bên mời thầu phát hiện hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh 1 và nhà thầu liên danh 2 có một số nội dung thuộc phần đề xuất kỹ thuật hoàn toàn giống nhau như: Biện pháp tổ chức thi công, giải pháp kỹ thuật, biện pháp bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động thì bên mời thầu cần yêu cầu hai nhà thầu liên danh giải thích, làm rõ về những nội dung giống nhau trong hồ sơ dự thầu.

Theo đó, việc xử lý trong trường hợp này cần căn cứ các nội dung sau:

- Nếu nội dung giải thích, làm rõ của hai nhà thầu là logic, thuyết phục thì bên mời thầu cần chấp thuận hồ sơ dự thầu của nhà thầu để tiến hành đánh giá theo quy định.

- Nếu hai nhà thầu không tiến hành hợp tác giải thích, làm rõ hoặc việc giải thích, làm rõ không logic, không thuyết phục thì bên mời thầu có thể coi các nội dung giống nhau giữa hai hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh 1 và nhà thầu liên danh 2 là những dấu hiệu thông thầu theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 89 Luật Đấu thầu và cần tiến hành điều tra, làm rõ.

Trường hợp kết luận nhà thầu liên danh 1 và nhà thầu liên danh 2 có hành vi thông thầu thì bên mời thầu cần báo cáo chủ đầu tư, người có thẩm quyền xem xét, quyết định loại hồ sơ dự thầu của hai nhà thầu này.

Trong trường hợp này, người có thẩm quyền phải ban hành, quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 1, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đối với các nhà thầu vi phạm; quyết định được gửi cho nhà thầu đồng thời gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi, đăng tải trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điểm a Khoản 3 và Khoản 4, Điều 90 Luật Đấu thầu.