Chính sách phát triển hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ phát triển cho DNNVV

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính vừa trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII về việc đề nghị Chính phủ có chính sách phát triển hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay một số tỉnh đã hình thành loại hình này nhưng hoạt động chưa đạt hiệu quả cao vì chưa có hệ thống ngành dọc, còn thiếu kinh nghiệm và nguồn vốn.

Chính sách phát triển hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ phát triển cho DNNVV
Quỹ bảo lãnh tín dụng đã góp phần tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay. Nguồn: internet

Ngày 20/12/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Qua hơn 10 năm triển khai, thực hiện đến nay cả nước có 10 Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động với doanh số bảo lãnh lũy kế trên 2.976 tỷ đồng (tính đến 31/12/2012); việc ra đời và đi vào hoạt động của các Quỹ đã góp phần tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, có vốn duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Về việc chưa có hệ thống ngành dọc: Theo quy định của Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg, Quỹ bảo lãnh tín dụng là tổ chức tài chính ở địa phương, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập và quản lý (thông qua sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân), vốn điều lệ Quỹ gồm nguồn ngân sách tỉnh và vốn góp của các tổ chức tín dụng, DN khác... Do đó, Quỹ không tổ chức mô hình hoạt động theo hệ thống ngành dọc. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng về tài chính và ngân hàng theo quy định pháp luật.

Về nguồn vốn hoạt động của Quỹ: Theo quy định của Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg, một trong những điều kiện thành lập quỹ phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng. Theo báo cáo của các Quỹ đến 31/12/2012, vốn điều lệ của 10 Quỹ bảo lãnh tín dụng là 512 tỷ đồng. Trong thời gian qua, một số địa phương có nhu cầu thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng chưa bố trí nguồn để thành lập Quỹ; một số địa phương đã thành lập Quỹ nhưng nguồn vốn nhỏ, không bổ sung thêm vốn điều lệ.

Theo chỉ đạo tại công văn số 07/TTg-KTTH ngày 03/01/2013 về bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc sử dụng nguồn thu cổ phần hóa từ các DN địa phương (phần phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN) để tăng cường nguồn lực tài chính Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Phương án cụ thể do UBND tỉnh đề xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

ra, ngày 06/03/2013, Bộ Tài chính có công văn số 2940/BTC-TCDN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh về việc báo cáo hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhằm rà soát, đánh giá, kiến nghị các giải pháp tăng cường nguồn lực tài chính cho các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về kinh nghiệm quản lý: Nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng là nghiệp vụ ngân hàng, trong khi đó, các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và thực hiện hoạt động bảo lãnh. Để khắc phục tình trạng trên cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động bảo lãnh tín dụng hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, công văn số 07/TTg-KTTH ngày 03/01/2013 về bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV.

Theo đó, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh cơ chế bảo lãnh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg và Quyết định số 115/2004/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg (Bộ Tài chính đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định).

Bên cạnh đó, để tạo thêm một kênh bảo lãnh cho DNNVV, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 về Quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại được triển khai qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, doanh số bảo lãnh đến 31/12/2012 là 10.692,4 tỷ đồng với hàng ngàn DNNVV được bảo lãnh tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thương mại. Nhằm hướng tới hoàn thiện các chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng, hoàn chỉnh để ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg.

Ngoài ra, nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho Quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ngày 07/03/2013, Bộ Tài chính có Quyết định số 440/QĐ-BTC về việc xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN để cấp bổ sung vốn cho Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam với số tiền là 250 tỷ đồng.