Điều kiện đủ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Ông Võ Tấn Hưng có thời gian ký hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng với lần lượt 3 cơ quan, nhưng cả 3 lần ông Hưng đều chưa nhận chế độ bảo hiểm xã hội. Ông Hưng hỏi, ông có được nhận trợ cấp cho cả 3 lần chấm dứt hợp đồng lao động đó không? Nếu được thì phải làm thủ tục gì và liên hệ ở đâu?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Hưng ký hợp đồng lao động với Vinashin Quảng Nam từ ngày 1/4/2009 đến ngày 14/8/2010, từ ngày 15/8/2010 đến ngày 31/12/2010 nghỉ không có việc làm. Từ  ngày 1/1/2011 đến ngày 31/12/2013 ký hợp đồng lao động với Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Nam. Từ ngày 1/10/2013 đến ngày 31/5/2014, ông Hưng ký hợp đồng lao động với Công ty Bảo hiểm AAA Quảng Nam.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thì người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật.   

- Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định tại Điểm b Khoản này, ngày thứ nhất trong 15 ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc.

Theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung thì người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau: người lao động có các tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; người lao động có các tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị.

Theo quy định tại Điều 34 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc để đăng ký thất nghiệp.

Trường hợp người lao động có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì khi đăng ký thất nghiệp phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, nếu ông Hưng đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ông Hưng có thể liên hệ với Trung tâm giới thiệu việc làm tại điểm 3 nêu trên để được hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.