Doanh nghiệp lựa chọn nhà thầu theo quy định nào?

Theo chinhphu.vn

Việc ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu, bao gồm việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu đối với từng loại gói thầu thuộc thẩm quyền của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đồng Tâm (Hà Nội) là nhà đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn để biển Tây, phục vụ quốc phòng, an ninh khu vực Hòn Đá Bạc kết hợp phòng chống cháy rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ (đường Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc)” tại tỉnh Cà Mau. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).

Công ty đã ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu. Theo đó, gói thầu tư vấn và mua sắm hàng hóa thì áp dụng chỉ định thầu rút gọn; gói thầu xây lắp áp dụng hình thức chỉ định thầu thông thường.

Công ty hỏi, việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu như trên có phù hợp không? Có cần thiết phải áp dụng Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP để lựa chọn nhà thầu không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thì đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, nội dung này cũng được quy định tại Điều 44 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Vì vậy, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp mình.

Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không bắt buộc phải áp dụng nhưng có thể vận dụng quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu để ban hành quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu cho phù hợp với điều kiện tổ chức, quản lý, vận hành hoạt động đầu tư và kinh doanh của mình.

Trong trường hợp này, việc ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu, bao gồm việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu (đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu...) đối với từng loại gói thầu thuộc thẩm quyền của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.