Giải đáp vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan điện tử

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), chủ yếu là các DN hoạt động trong Khu kinh tế (KKT), Khu thương mại, Khu chế xuất đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT).

Giải đáp vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan điện tử
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Để tạo thuận lợi cho DN, Tổng cục Hải quan đã giải đáp một số vướng mắc của các DN liên quan đến chứng từ được khai dưới dạng điện tử mà các DN phản ánh trong và sau các hội nghị đối thoại.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 49 Thông tư 128/2013/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 128): “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DN chế xuất phải làm thủ tục hải quan theo quy định đối với từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp áp dụng phương thức điện tử, các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu nêu tại điểm này thực hiện theo quy định tại Thông tư 196/2012/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 196) ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính trong trường hợp Thông tư có quy định”. Công ty TNHH Daiwa Plastios Thăng Long phản ánh trường hợp DN áp dụng phương thức điện tử, thủ tục hải quan đối với hàng hóa của DN chế xuất bán vào nội địa và hàng hóa của DN nội địa cho DN chế xuất sẽ theo hướng dẫn của Thông tư 196 thì bước 1 là giao hàng; bước 2 làm thủ tục nhập khẩu và bước 3 làm thủ tục xuất khẩu. DN lúng túng bởi cách hiểu như trên có đúng không?

Theo Tổng cục Hải quan, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc thực hiện thống nhất trình tự thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ giữa TTHQĐT và truyền thống, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 6501/TCHQ-GSQL ngày 1/11/2013. Theo đó, tại Mục 2 của công văn hướng dẫn thực hiện như sau: “Trường hợp DN áp dụng TTHQĐT thì tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 47 Thông tư 196. Trường hợp DN áp dụng thủ tục hải quan truyền thống thì thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 45 Thông tư 128. Trường hợp thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện tại 2 đơn vị Hải quan khác nhau nhưng 1 đơn vị Hải quan áp dụng hải quan điện tử, 1 đơn vị Hải quan áp dụng thủ tục hải quan truyền thống thì DN thực hiện theo quy định tại Điều 45 Thông tư 128”.

Hướng dẫn này áp dụng đối với cả hàng hóa mua bán giữa DN chế xuất và nội địa. Tuy nhiên, khi Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định TTHQĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại có hiệu lực kể từ ngày 1/4, trình tự thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ thực hiện theo Điều 27 của Thông tư này và theo phương thức truyền thống được thực hiện thống nhất.

Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam thắc mắc tại Điểm b, Khoản 1, Điều 49 Thông tư 128 quy định: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DN chế xuất làm thủ tục hải quan theo quy định đối với từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp áp dụng phương thức điện tử, các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu nêu tại điểm này thực hiện theo quy định tại Thông tư 196 trong trường hợp Thông tư có quy định”. Trong khi đó Khoản 1, Điều 168 quy định: “Thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã hướng dẫn tại thông tư 196 nhưng được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này thì thực hiện nội dung sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này”. Do đó, Công ty thắc mắc DN chế xuất sẽ áp dụng thủ tục hải quan theo quy định nào?

Trả lời về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, về nguyên tắc, TTHQĐT thực hiện theo Thông tư 196, thủ tục hải quan thủ công thực hiện theo Thông tư 128. Trong trường hợp các thủ tục quy định tại Thông tư 128 có quy định cụ thể áp dụng đối với TTHQĐT thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 128. Trong trường hợp các thủ tục quy định tại Thông tư 128 không quy định cụ thể áp dụng đối với TTHQĐT thì áp dụng đối với TTHQĐT trong trường hợp thủ tục đó cũng được quy định tại Thông tư 196. Riêng thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ thì thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 2, Công văn số 6501/TCHQ-GSQL. Theo đó, nếu áp dụng TTHQĐT thì thực hiện theo Thông tư 196, nếu áp dụng thủ tục hải quan truyền thống thì thực hiện theo Thông tư 128.

Cũng liên quan đến quy định tại Điểm e3, Điều 49, Thông tư 128: “Đối với hàng hóa luân chuyển giữa DN chế xuất không cùng một khu chế xuất nhưng các DN chế xuất này thuộc một tập đoàn hay một hệ thống công ty thì được lựa chọn không phải làm thủ tục hải quan hoặc làm thủ tục hải quan theo loại hình XNK tại chỗ (trừ quy định về điều kiện XNK tại chỗ). Quy định này áp dụng cho tất cả các DN chế xuất thực hiện TTHQĐT theo Chương VI Thông tư 196”. Để thuận lợi trong việc thực hiện các quy định, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam thắc mắc: Có thể áp dụng đối với các công ty cùng tập đoàn nhưng khác loại hình hàng hóa được không?

Trả lời thắc mắc này của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại Điểm e3, Khoản 3, Điều 49 Thông tư 128 được áp dụng cho các DN chế xuất không cùng một Khu chế xuất nhưng cùng thuộc một tập đoàn hoặc một hệ thống công ty.

Công ty TNHH Canon Việt Nam và Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam cũng phản ánh: Theo Thông tư 196 thì thủ tục hải quan tại chỗ sẽ được DN nhập khẩu làm trước và xuất khẩu làm sau. Theo Thông tư 128 thì thủ tục hải quan tại chỗ sẽ được DN xuất khẩu làm trước và nhập khẩu làm sau. Tuy nhiên, Công ty thì áp dụng TTHQĐT nhưng DN bán hàng cho Công ty thì không áp dụng. Do vậy, Công ty sẽ làm thủ tục hải quan thủ công như thế nào?

Vướng mắc nêu trên của các DN, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, trường hợp DN chế xuất đã áp dụng TTHQĐT và DN nội địa không áp dụng thủ tục hải quan điện  tử thì thủ tục hải quan đối với hàng hóa sử dụng tờ khai XNK tại chỗ thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 2, Công văn số 6501/TCHQ-GSQL.

Liên quan đến phần mềm hải quan điện tử Công ty Cổ phần CBG Đức Thanh phản ánh, trong trường hợp DN có gửi 1 số mẫu không tính tiền cho khách hàng thì khi khai báo điện tử DN phải khai báo như thế nào vì hiện nay phần mềm hải quan điện tử chưa có mục này.

Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điều 1 Thông tư 196 về “phạm vi áp dụng” đối với TTHQĐT: TTHQĐT không áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Trường hợp mà DN nêu, Tổng cục Hải quan cho rằng, “hàng mẫu không tính tiền” được hiểu là hàng hóa không nhằm mục đích thương mại thì thực hiện theo quy định tại Phần III, Thông tư 128.

Phản ánh về việc đăng ký và cấp số tờ khai theo phương thức điện tử Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam cho biết, quy định tại Điều 44, Thông tư 128 về tờ khai hải quan một lần có áp dụng cho hải quan điện tử không?

Về vấn đề này Tổng cục Hải quan cho rằng, việc đăng ký tờ khai một lần không áp dụng cho hải quan điện tử vì Thông tư 196 và Thông tư 22/2014/TT-BTC không quy định áp dụng đối với trường hợp này. Việc đăng ký và cấp số tờ khai theo phương thức điện tử được thực hiện nhanh chóng, các chứng từ đã được khai dưới dạng điện tử nên trong trường hợp quy định áp dụng tờ khai một lần cũng không thực sự tạo thuận lợi cho DN vì các DN và cơ quan Hải quan sẽ phải theo dõi trừ lùi theo từng lần xuất khẩu, nhập khẩu của DN.