Giải đáp vướng mắc về ân hạn và ưu đãi thuế

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu (XNK) và giải quyết vướng mắc của nhiều doanh nghiệp (DN) cũng như các đơn vị Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản giải đáp một số vướng mắc về ân hạn và ưu đãi thuế.

 Giải đáp vướng mắc về ân hạn và ưu đãi thuế
Cán bộ công chức Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore kiểm tra hàng NK. Nguồn: internet

Hưởng ân hạn thuế

Công ty CP thực phẩm An Long (trụ sở tại Cụm Công nghiệp Long Định- Long An) có hoạt động XNK qua địa bàn quản lý của Cục Hải quan Long An, kiến nghị thời hạn ân hạn thuế đối với nguyên liệu NK phục vụ sản xuất tiêu thụ nội địa là 30 ngày đối với DN chấp hành tốt pháp luật như trước đây hoặc trường hợp có bảo lãnh thì không bị chậm nộp thuế. Do khi thực hiện bảo lãnh, DN đã tốn chi phí bảo lãnh, nếu tính chậm nộp thuế nữa thì DN gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.

Trả lời về kiến nghị này của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Khoản 11, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung Điều 42 Luật Quản lý thuế) thì trừ hàng hóa là nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất hàng XK được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày (có điều kiện) và hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất thì hàng hóa XK, NK khác phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng.

Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng nhưng phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày nộp thuế theo quy định tại Điều 106 Luật này. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Công ty CP nhựa cao cấp hàng không có hoạt động XNK qua địa bàn Cục Hải quan Hải Phòng phản ánh, theo Khoản 3a, Điều 42 Luật Quản lý thuế sửa đổi, đối với hàng NK sản xuất XK, một trong những điều kiện để được hưởng thời gian nộp thuế là 275 ngày là DN phải “Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê”.

DN cho rằng, do hiện chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc “Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê” nên DN không biết phải xin xác nhận tại cơ quan nào. DN cho biết thêm, đã đề nghị cơ quan Thuế địa phương nhưng bị từ chối xác nhận vì lý do không thuộc thẩm quyền.

Theo Tổng cục Hải quan, tại Mẫu số 18 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 đã quy định các nội dung cam kết của DN trong đó có nội dung cam kết về việc trong vòng 730 ngày tính đến ngày cung cấp thông tin, có hay không bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán. DN chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung cam kết. Trường hợp có thay đổi các thông tin, DN sẽ khai và cam kết lại.

Cũng về vấn đề ân hạn thuế, Cục Hải quan Bắc Ninh chuyển kiến nghị của DN xin được tiếp tục ân hạn thời gian nộp thuế là 30 ngày như trước đây để tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Về nội dung kiến nghị  của DN, Tổng cục Hải quan cho rằng, tại Khoản 11, Điều 1 Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định rõ ràng các trường hợp được ân hạn.

Xin được ưu đãi thuế

Theo Cục Hải quan Quảng Ngãi, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (KKT Dung Quất, Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đề nghị được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Chương 98, Thông tư 193/2012/TT-BTC với mặt hàng cẩu RTGC thuộc Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm từ 9/1 đến 28/5/2013.

Cũng theo Cục Hải quan Quảng Ngãi, tại Điểm B3, Khoản 2, Điều 103 Thông tư 194/2010/TT-BTC quy định về “hồ sơ, thủ tục miễn thuế” thì cơ quan Hải quan lập hồ sơ báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết đối với trường hợp đăng ký tờ khai trước ngày đăng ký Danh mục miễn thuế.

Còn trường hợp hưởng ưu đãi thuế theo Chương 98, Thông tư 193/2012/TT-BTC thì không có hướng dẫn đăng ký Danh mục sau khi đăng ký tờ khai, cấp nào có thẩm quyền giải quyết, thủ tục như thế nào. Do vậy, Cục Hải quan Quảng Ngãi lúng túng bởi không có cơ sở giải quyết do chưa có quy định đăng ký Danh mục sau khi đã NK hàng hóa đối với trường hợp ưu đãi thuế theo Chương 98 Thông tư 193/2012/TT-BTC.

Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điểm B3, Khoản 3.2, Phần I, Mục II Chương 98 ban hành kèm theo Thông tư 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính thì trong hồ sơ NK hàng hóa để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và để đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, người khai hải quan phải tự xác định nhu cầu sử dụng và xây dựng Danh mục vật tư, thiết bị NK, kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi và đăng ký với cơ quan Hải quan trước thời điểm đăng ký tờ khai hàng hóa NK đầu tiên.

Do đó, trường hợp của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam do không đáp ứng được quy định trên nên không đủ điều kiện miễn thuế cho số hàng hóa đã NK trước khi đăng ký Danh mục vật tư, thiết bị NK.

Để được miễn thuế đối với máy móc NK đầu tư tạo tài sản cố định, theo hướng dẫn, Công ty thực phẩm Amanda Việt Nam phải xin giấy phép bổ sung và đăng ký danh mục miễn thuế. Tuy nhiên, Công ty cho rằng, thủ tục và các mẫu biểu báo cáo rất phức tạp. Trong khi đó Công ty hoạt động thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì có được xem xét giảm thủ tục hồ sơ để được NK hàng hóa tạo tài sản cố định miễn thuế không.

Trả lời về vấn đề này Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại Khoản 9, Điều 100 Thông tư 128/2013/TT-BTC thì hàng hóa NK để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi về thuế NK được áp dụng cho cả trường hợp mở rộng quy mô dự án, thay thế đổi mới công nghệ. Do đó, để được miễn thuế hàng hóa NK tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư đối với phần mở rộng theo quy định tại Điều 100, Thông tư 128/2013/TT-BTC thì Công ty phải thực hiện đăng ký danh mục hàng hóa NK miễn thuế theo quy định tại Điều 101, 102 Thông tư 128/2013/TT-BTC.