Giải đáp vướng mắc về phân bổ nguồn vốn từ Trung ương về các địa phương

PV.

Nhằm giải đáp một số vướng mắc của các cử tri tỉnh Lào Cai về việc phân bổ nguồn vốn từ Trung ương về các địa phương, cơ chế nào áp dụng đối với việc phân cấp này, Bộ Tài chính đã giải đáp cụ thể vấn đề này tại công văn số 11873/BTC-NSNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Luật Ngân sách nhà nước hiện hành (sau đây gọi là Luật NSNN năm 2002) đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, như:

Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương. Chính phủ quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và nhiệm vụ thu chi và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính lập dự toán ngân sách nhà nước và lập phương án phân bổ ngân sách trung ương trong lĩnh vực phụ trách theo phân công của Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình lập dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Hội đồng nhân dân các cấp căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế tại địa phương, quyết định dự toán chi ngân sách địa phương, bao gồm chi ngân sách cấp mình và chi ngân sách địa phương cấp dưới, chi tiết theo các lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ thu, chi, mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương đối với các khoản thu phân chia.

Như vậy, Luật NSNN năm 2002 đã quy định cụ thể việc lập dự toán, phân bổ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và quy định quyền hạn, trách nhiệm vụ Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong việc quyết định dự toán ngân sách địa phương.

Ngày 25/6/2015, Quốc hội đã ban hành Luật Ngân sách nhà nước 2015 có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, trong đó quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong việc lập dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Bộ Tài chính ghi nhận với kiến nghị của cử tri, căn cứ chức năng, nhiệm vụ Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước theo quy định, đảm bảo địa phương được chủ động trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính tại địa phương.