Giải đáp vướng mắc về thuế nhập khẩu một số mặt hàng

Theo mof.gov.vn

Ngay sau khi nhận được một số vướng mắc của các cơ quan hải quan địa phương, doanh nghiệp về thuế nhập khẩu một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13638/BTC-CST hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, Công văn số 13638/BTC-CST của Bộ Tài chính nêu rõ, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hoá và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính nhận được một số vướng mắc của các cơ quan Hải quan địa phương, doanh nghiệp về thuế nhập khẩu một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Thứ nhất, đối với Mặt hàng thuộc mã hàng 3304.99.20 hoặc mã hàng 3004.90.99

Cụ thể, đối với mặt hàng “Kem trị mụn trứng cá” thuộc mã hàng 3304.99.20 hoặc “Thuốc trị mụn trứng cá” thuộc mã hàng 3004.90.99. Vướng mắc: Hiện nay, các mặt hàng kem trị mụn trứng cá đang được Tổng cục Hải quan hướng dẫn phân loại vào mã hàng 3304.99.20, thuế suất 10%.

Tuy nhiên, do có một số loại kem trị mụn trứng cá được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp số lưu hành là thuốc do có chứa hoạt chất của thuốc nên Cục Quản lý dược và các công ty kiến nghị phải phân loại các mặt hàng này là thuốc thuộc mã hàng 3004.90.99, thuế suất hiện hành là 0%.

Giải đáp vướng mắc về mã hàng 3304.99.20 “Kem ngăn ngừa mụn trứng cá”, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Mã hàng 3304.99.20 “Kem ngăn ngừa mụn trứng cá” có thuế suất áp dụng theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) là 10%, cam kết trần Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là 10%, thuế suất Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Autralia/New Zealand là 0%, thuế suất VJFTA là 3% và giảm xuống 1% vào năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu năm 2016 của mã hàng 3304.99.20 là 813 nghìn USD.

Mã hàng 3004.90.99 “Loại khác” có thuế suất MFN là 0%, cam kết WTO là 5%. Kim ngạch nhập khẩu năm 2016 là 1,3 tỷ USD, không tách riêng được mặt hàng thuốc trị mụn trứng cá từ mã hàng 3004.90.99 do có trường hợp doanh nghiệp chỉ khai tên thương mại của thuốc.

Hai loại mặt hàng “Kem trị mụn trứng cá” thuộc mã số 3304.99.20 hoặc “Thuốc trị mụn trứng cá” thuộc mã số 3004.90.99 dễ lẫn về phân loại nên doanh nghiệp có thể lợi dụng để khai mã số 3004.90.99 để hưởng thuế suất thấp hơn. Qua rà soát lại thì mã hàng 3004.90.99 có trần cam kết WTO là 5% nên Bộ Tài chính dự kiến bổ sung thêm dòng hàng “Thuốc trị mụn trứng cá” vào Chương 98 (mã số thuộc 97 chương là 3004.90.99) với mức thuế suất thuế nhập khẩu là 5% bằng với trần cam kết WTO để tránh chênh lệch thuế suất lớn với “Kem trị mụn trứng cá” thuộc mã số 3304.99.20.

Tác động số thu ngân sách nhà nước do không tách được kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng “Thuốc trị mụn trứng cá” tại mã hàng 3004.90.99 nên không tính được số thu thuế nhập khẩu.

Thứ hai,đối với mặt hàng nhóm 19.01 

Bộ Tài chính cho biết, để đơn giản Biểu thuế, tiết kiệm chi phí phân tích hàng hóa, chi phí gửi mẫu để phân tích, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất của các mã hàng 1901.10.30, 1901.20.10, 1901.20.20, 1901.20.30, 1901.20.40, 1901.90.41, 1901.90.49, 1901.90.99 từ các mức 15%, 18%, 20%, 25% về cùng một mức thuế suất là 18% nhằm thực hiện nguyên tắc của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu “Áp dụng thống nhất mức thuế suất đối với hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật tương tự”

Kim ngạch nhập khẩu năm 2016 của các mã hàng này không lớn 1901.10.30 (15 ngàn USD), 1901.20.10 (không có kim ngạch nhập khẩu), 1901.20.20 (55 ngàn USD), 1901.20.30 (895 ngàn USD), 1901.20.40 (42 ngàn USD), 1901.90.41 (9 ngàn USD), 1901.90.49 (96 ngàn USD), 1901.90.99 (406 ngàn USD).

Tác động thu NSNN: Lấy theo kim ngạch nhập khẩu có thuế năm 2016 làm cơ sở tính thì số thu về thuế nhập khẩu giảm 4290USD/năm (tương đương khoảng 94,3 triệu đồng).

Thứ ba, đối với mặt hàng “Các chế phẩm có chứa cồn được sử dụng để chế biến hoặc sản xuất đồ uống” thuộc nhóm 2106.90.6x

Đối với các mặt hàng là “Các chế phẩm có chứa cồn được sử dụng để chế biến hoặc sản xuất đồ uống” thuộc nhóm 2106.90.6x. Vướng mắc: Các mặt hàng là “Các chế phẩm có chứa cồn được sử dụng để chế biến hoặc sản xuất đồ uống” thuộc nhóm 2106.90.6x có 7 dòng hàng thì có 4 dòng hàng có thuế suất 20%, 2 dòng hàng có thuế suất 15%, 1 dòng hàng có mức thuế suất 18%.

Đây là các dòng hàng dễ lẫn, phải phân tích giám định mới xác định được thành phần, bản chất mặt hàng và mã hàng hàng hóa, khó khăn trong phân loại và phát sinh chi phí giám định.Thuế suất FTA của các mã hàng này thấp hơn thuế suất MFN. Kim ngạch nhập khẩu năm 2016 thực tế chỉ phát sinh tại mã hàng 2106.90.69 “Loại khác” áp dụng thuế suất MFN (18%) (531 nghìn USD).

Ý kiến của Bộ Tài chính về “Các chế phẩm có chứa cồn được sử dụng để chế biến hoặc sản xuất đồ uống” thuộc nhóm 2106.90.6x: Các mặt hàng trên có cùng bản chất, công dụng và để đơn giản Biểu thuế, tiết kiệm chi phí phân tích hàng hóa, chi phí gửi mẫu để phân tích, tránh gây phức tạp khi áp dụng vào thực tế, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất của các mã hàng trong phân nhóm 2106.90.6x (gồm các mã hàng 2106.90.61, 2106.90.62, 2106.90.64, 2106.90.65, 2106.90.66, 2106.90.67) từ các mức 20%, 15% về cùng mức 18%.

Tác động thu ngân sách nhà nước: Kim ngạch nhập khẩu có thuế năm 2016 chỉ phát sinh tại mã số 2106.90.69 (thuế suất 18%) là 531 nghìn USD. Do đó, việc điều chỉnh thuế suất như trên không ảnh hưởng đến số thu ngân sách.

Đối với mặt hàng thép, Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen đề nghị tăng thuế suất cho mã hàng 7210.41.11, nhóm 7210 (các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng) từ 20% - 25% do Tập đoàn Hoa Sen đã sản xuất được và tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi lên bằng mức trần cam kết WTO cho các mặt hàng có mã HS 7211.19.11, 7212.40.10, 7212.50.91, 7212.50.99 từ 0% lên 10% và tăng thuế suất cho mặt hàng có mã HS 7212.40.90 từ 7% lên 10% do Tập đoàn Hoa Sen đã sản xuất được và để đảm bảo nguyên tắc thuế suất của bán thành phẩm không cao hơn thuế suất thành phẩm.

Ý kiến của Bộ Tài chính đối với mã hàng 7210.41.11 – sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được mạ hoặc tráng kẽm bằng phương pháp khác, dạng lượn sóng, có hàm lượng carbon dưới 0,6% tính theo trọng lượng, chiều dày không quá 1,2mm có mức thuế suất của hiện hành là 20% do trong nước đã sản xuất được.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2015 của mã hàng này đạt 136 nghìn USD, năm 2016 không phát sinh kim ngạch nhập khẩu. Do vậy, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế mã hàng 7210.41.11 từ 20%-25% để hỗ trợ sản xuất trong nước. Dự kiến, mức tăng không ảnh hưởng đến số thu NSNN do không phát sinh kim ngạch nhập khẩu.

Đối với các mặt hàng có mã HS 7211.19.11, 7212.40.10, 7212.50.91, 7212.50.99,7212.40.90: Theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT, trong nước đã sản xuất được các mặt hàng thép thuộc các mã hàng 7211.19.11, 7212.40.10,7212.40.90. Theo danh mục AHTN 2017, mã hàng 7211.19.11 được tách thành các mã 7211.19.13, 7211.19.91, mã hàng 7212.40.10 được tách thành các mã 7212.40.11, 7212.40.91, mã hàng 7212.40.90  được tách thành các mã 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.92, 7212.40.99.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2016 của các mã hàng này cụ thể: Mã hàng 7211.19.11 đạt 2,7 triệu USD, mã hàng 7212.40.10 đạt 3,3 triệu USD, mã hàng 7212.40.90 đạt 373 nghìn USD nhập khẩu chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các mã hàng này ATIGA, ACFTA, AJFTA là 0%.

Do phần lớn các mã hàng này trong nước đã sản xuất được và được nhập khẩu từ các thị trường đã có thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0% nên Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất các mã hàng 7211.19.13, 7211.19.91, 7212.40.11, 7212.40.91 từ 0% - 10%, mã hàng 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.92, 7212.40.99 từ 7% - 10% nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước.

Tác động thu NSNN lấy theo kim ngạch nhập khẩu có thuế năm 2016 làm cơ sở tính thì số thu về thuế nhập khẩu tăng 0,6 triệu USD/năm (6 triệu USD x 0.1 + 373 nghìn USD x 0,03) (tương đương khoảng 13,45 tỷ đồng)…

Từ các vướng mắc trên, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan có ý kiến gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15/10/2017 để kịp thời đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 để trình Chính phủ ban hành./.