Giải quyết thủ tục hải quan đối với trường hợp còn nợ thuế

Theo mof.gov.vn

Liên quan đến vướng mắc trong việc làm thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp còn đang có nợ thuế quá hạn quá 90 ngày thuế, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn, giải đáp doanh nghiệp căn cứ, tuân thủ theo các quy định pháp lý...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 24/0717/TCHQ ngày 24/7/2017 của Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú (gọi tắt là Công ty) về việc làm thủ tục hải quan.

Cụ thể là Công ty đang có nợ thuế quá hạn quá 90 ngày của tờ khai 10078660956 và 10078661435 ngày 21/3/2016 tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV III (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Căn cứ theo nội dung công văn cần giải đáp củ doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan giải đáp như sau:

Theo Khoản 4 Điều 92 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 25 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 quy định: Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.

Việc nộp dần tiền nợ thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Tại Khoản 5 Điều 46 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định:  Việc tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đảm bảo: Không có nợ thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt của các lô hàng khác; phải nộp thuế trước khi thông quan đối với lô hàng đang làm thủ tục; số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đang còn nợ phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh theo quy định.

Cùng với đó, Khoản 1 Điều 31 Thông tư 155/TT-BTC ngày 20/10/2016 của Bộ Tài chính thì trường hợp chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế; tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan gồm: Người nộp thuế thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế được cơ quan Hải quan cho phép nộp dần tiền thuế nợ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Người nộp thuế đã được tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan theo quy định khoản 5 Điều 46 Nghị định.

Như vậy, Công ty có nợ thuế quá hạn quá 90 ngày, căn cứ quy định trên, để được giải tỏa cưỡng chế, đề nghị Công ty lựa chọn một trong hai phương án xử lý nợ như sau:

Thứ nhất, nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Trong thời gian nộp dần tiền thuế nợ, Công ty phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp (theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật số 106/2016/HQ13).

Hồ sơ đề nghị nộp dần gửi đến Chi cục Hải quan CK Cảng Sài Gòn KV III (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh). Điều kiện cụ thể, hồ sơ, thời hạn giải quyết quy định tại Điều 39 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ và Điều 134 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Thứ hai, tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan theo quy định khoản 5 Điều 46 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ.

Trường hợp Công ty đề nghị được thực hiện theo phương án tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan thì Công ty có văn bản gửi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh kèm theo thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với số tiền thuế còn nợ.

Trên cơ sở đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ và báo cáo, đề xuất gửi Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan xem xét, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để trình Bộ Tài chính quyết định. Thủ tục, thẩm quyền giải quyết cụ thể thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư 155/2016/TT-BTC ngày 20/10/2016 của Bộ Tài chính.