Gỡ vướng trong xử lý vi phạm hành chính

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Sau khi các đơn vị Hải quan địa phương báo cáo và xin ý kiến xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan (gọi tắt là Nghị định 127), Tổng cục Hải quan đã có văn bản trả lời vấn đề này.

 Gỡ vướng trong xử lý vi phạm hành chính
Công chức Chi cục Hải quan Nhơn Trạch (Đồng Nai) làm thủ tục cho doanh nghiệp. Nguồn: internet

Thẩm quyền xử phạt

Trả lời vướng mắc về việc phân định thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế của Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 29 Nghị định 127, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp đối tượng bị cưỡng chế tại nhiều Chi cục thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Chi cục chưa ra quyết định cưỡng chế.

Cũng trả lời vướng mắc của Cục Hải quan Quảng Ninh về thẩm quyền, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điểm 1, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi hành chính do pháp luật quy định. Việc xác định hành vi, chế tài xử phạt phải căn cứ vào vụ việc cụ thể phát sinh, trên cơ sở đối chiếu quy định tại Nghị định 127 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và các Nghị định khác có quy định thẩm quyền xử phạt cho cơ quan Hải quan; trao đổi với cơ quan chuyên môn cùng cấp (nếu cần thiết) để xử lý đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng quy định. Trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Quảng Ninh báo cáo và xem xét, trao đổi với cơ quan chức năng có liên quan.

Vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH W.K.K Việt Nam, Tổng cục Hải quan cho rằng, trường hợp quá thời hạn quy định mà Công ty TNHH W.K.K Việt Nam không thực hiện việc đưa hàng hóa vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nêu tại Công văn số 39/HQHCM-CBLXL ngày 6/1/2014 thì căn cứ quy định tại Điều 42; Điểm b, Khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 4, Điều 23 Nghị định 127 để xác định thẩm quyền xử lý vụ việc. Trường hợp cần thiết phải xác định trị giá hàng hóa vi phạm để làm căn cứ xác định thẩm quyền xử phạt thì căn cứ quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính để thực hiện.

Nhiều vướng mắc được hướng dẫn

Hướng dẫn Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum và Cục Hải quan Quảng Nam xử lý vi phạm về mức phạt đối với cá nhân, tổ chức, Tổng cục Hải quan cho biết, để xác định mức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính là mức phạt tiền áp dụng cho cá nhân hay mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, cần căn cứ vào đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum và Cục Hải quan Quảng Nam căn cứ hồ sơ vụ việc, đối chiếu quy định tại Điều 4, Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ để xác định mức phạt tiền tương ứng.

Về vướng mắc việc xác định xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi mà Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum nêu, Tổng cục Hải quan yêu cầu đơn vị, trên cơ sở hồ sơ vụ việc cụ thể đối chiếu với quy định tại Khoản 4, Điều 6, Nghị định 127 và Khoản 6, Điều 7 Thông tư 190/2013/TT-BTC ngày 12/12/2013 của Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền.

Trả lời vướng mắc khi thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính về nội dung liên quan đến nhập khẩu hàng không phép, những trường hợp không xử phạt và việc xác định trị giá tang vật vi phạm của Cục Hải quan Hải Phòng, Tổng cục Hải quan có ý kiến, việc xử lý hành vi nhập khẩu hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép cần căn cứ quy định tại các Điểm b, Khoản 2, Điều 7 và Khoản 2, Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đối chiếu với quy định tại Điểm c, Khoản 5, Điều 14 Nghị định 127 để xác định hành vi vi phạm, xử lý theo quy định.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam giải quyết về hành vi khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, Tổng cục Hải quan cho rằng, tại Điều 9, Thông tư 190/2013/TT-BTC ngày 12/12/2013 quy định khi xem xét xử phạt hành vi không khai sai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, mã số, thuế suất, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần kiểm tra xác minh để làm rõ; nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 13 Nghị định thì xử phạt theo quy định tại Điều 8, Nghị định 127.

Trả lời vướng mắc về hành vi không xuất hoặc xuất thiếu, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Tây Ninh trên cơ sở hồ sơ vụ việc, đối chiếu với quy định tại Điều 7, Nghị định 127 để xác định hành vi, xử phạt theo quy định. Trường hợp xác định người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn, không thu hoặc trường hợp gian lận, trốn thuế thì căn cứ quy định tại Điều 8, Điều 13 của Nghị định 127 để xem xét xử lý. 

Để sớm có hướng xử lý đối với những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 127 tại các đơn vị địa phương, Tổng cục Hải quan tiếp tục nhận những ý kiến vướng mắc của các đơn vị xung quanh Nghị định 127 để có hướng dẫn cụ thể.