Hàng hóa nhập khẩu nào phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu?

PV.

Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/2017/QĐ-TTg về Ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan tăng cường kiểm soát đối với các hàng hóa nhập khẩu có rủi ro cao trong quản lý, đảm bảo yêu cầu về quản lý thuế, quốc phòng, an ninh, kiểm dịch hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Đồng thời, căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan theo dõi, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Một số trường hợp hàng hóa được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu

Theo Quyết định 15/2017/QĐ-TTg, hàng hóa không thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ.

Trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại (thuộc Danh mục và không Danh mục), chung vận đơn thì phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Những hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục kèm theo Quyết định 15/2017/QĐ-TTg được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập phải nằm trong các trường hợp sau:

1. Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, công trình hoặc kho của nhà máy, công trình.

2. Nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng để phục vụ gia công, sản xuất được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất.

3. Hàng hóa tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

4. Hàng hóa nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế.

5. Hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý khu phi thuế quan.

6. Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc yêu cầu cứu trợ khẩn cấp.

7. Hàng hóa chuyên dùng nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan theo đề nghị của người khai hải quan.

8. Xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho xăng.

9. Hàng hóa nhập khẩu đóng chung container đưa về địa điểm thu gom hàng lẻ được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý địa điểm thu gom hàng lẻ.

10. Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Những hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập

Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu được xây dựng trên cơ sở Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu. Cụ thể gồm:

1. Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm: Lá thuốc hưa chế biến, phế liệu lá thuốc; Xì gà, xì gà xén hai đầu, xì gà nhỏ và thuốc lá điếu, từ lá thuốc là hoặc từ các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá; Lá thuốc lá đã chế biến và các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá đã chế biến khác; Thuốc là “thuần nhất” hoặc thuốc lá “hoàn nguyên”, chiết xuất và tinh chất lá thuốc lá.

2. Rượu: Rượu vang làm từ nho tươi, kể cả rượu vang cao độ; hèm nho trừ loại thuộc nhóm 20.09; Rượu vermouth và rượu vang khác làm từ nho tươi đã pha thêm hương vị từ thảo mộc hoặc chất thơm; Đồ uống đã lên men khác (ví dụ: vang táo, vang lê, vang mật ong); Hỗn hợp của đồ uống đã lên men và hỗn hợp của đồ uống đã lên men với đồ uống không chứa cồn, chưa chi tiết hay ghi ở nơi khác; Cồn ê-ti- lích chưa biến tính có nồng độ cồn tính theo thể tích từ 80% trở lên; Cồn ê – ti – lích và rượu mạnh khác, đã biến tính, ở mọi nồng độ; Cồn ê – ti – lích chưa biến tính có nồng độ cồn dưới 80% tính theo thể tích; rượu mạnh, rượu mùi và đồ uống có rượu khác.

3. Bia.

4. Xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.

5. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3: Có động cơ đốt trong kiểu piston với dung tích xi lanh trên 125 cc nhưng không quá 250 cc; Có động cơ đốt trong kiểu piston với dung tích xi lanh trên 250 cc nhưng không quá 500 cc; Có động cơ đốt trong kiểu piston với dung tích xi lanh trên 500 cc nhưng không quá 800 cc…

6. Tàu bay, du thuyền.

7. Xăng các loại: Xăng động cơ (RON 97 và cao hơn có pha chì; RON 97 và cao hơn không pha chì, RON 90 và cao hơn nhưng dưới RON 97 có pha chì; RON 90 và cao hơn nhưng dưới RON 97 có pha chì); Loại khác có pha chì; Loại khác không pha chì; Xăng máy bay, trừ loại sử dụng làm nguyên liệu máy bay phản lực.

8. Điều hòa nhiệt đô công suất từ 90.000 BTU trở xuống.

9. Bài lá.

10. Vàng mã, vàng lá.

11. Hàng hóa phải kiểm dịch động vật theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

12. Hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

13. Hàng hóa phải kiểm dịch thực vật theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

14. Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định.

15. Hàng hóa có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định.

16. Phế liệu theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

17. Hàng hóa áp dụng biện pháp thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp theo quy định của Bộ Công Thương.