Hàng tạm nhập sửa chữa tái chế chuyển tiêu thụ nội địa phải nộp thuế

Lê Thu (HQ Online)

Trả lời Cục Hải quan TP. HCM về vướng mắc của doanh nghiệp trong việc xác định thời điểm tính thuế, tính phạt chậm nộp, đối với hàng hoá tạm nhập sửa chữa tái chế chuyển tiêu thụ nội địa, Tổng cục Hải quan đề nghị căn cứ vào quy định tại Thông tư 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hàng tạm nhập sửa chữa tái chế chuyển tiêu thụ nội địa phải nộp thuế
Công chức hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra áo sơ mi nhập khẩu

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, căn cứ điểm c khoản 4 Điều 51 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính quy định áp dụng đối với trường hợp hàng hoá tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập; quá thời hạn đăng ký mà chưa tái xuất thì phải nộp thuế theo quy định.

Xử lí đối với hàng tái chế không tái xuất được, tại điểm c khoản 5 Điều 51 Thông tư 194/2010/TT-BTC cũng quy định: Nếu là hàng tái chế không tái xuất được thì doanh nghiệp phải có văn bản gửi chi cục hải quan làm thủ tục tái nhập giải trình rõ lý do không tái xuất được, trên cơ sở đó đề xuất chi cục hải quan làm thủ tục tái nhập xem xét, chấp nhận các hình thức xử lý. Theo đó, đối với sản phẩm tái chế không phải là hàng gia công thì chuyển tiêu thụ nội địa như hàng hoá tái nhập để tiêu thụ nội địa.

Điểm c.2 Khoản 7 Điều 113 Thông tư 194/2010/TT-BTC quy định, trường hợp cơ quan Hải quan đã hoàn lại hoặc đã ban hành quyết định không thu thuế đối với phần nguyên liệu nhập khẩu sản xuất ra số hàng hoá xuất khẩu phải nhập khẩu trở lại hoặc đối với số hàng hoá đã tái xuất nhưng nay phải nhập khẩu trở lại thì người nộp thuế phải nộp lại số tiền thuế đã được hoàn hoặc không thu đó.

Theo các quy định dẫn trên, đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu đã thực xuất khẩu (doanh nghiệp đã tiến hành thanh khoản, hoàn thuế). Nay doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu trở lại số sản phẩm lỗi (có nguồn gốc từ nguyên liệu sản xuất xuất khẩu), sau quá trình đăng ký sửa chữa tái chế, không sửa chữa tái xuất được, được chấp nhận chuyển tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp phải nộp lại số tiền thuế đã được hoàn tương ứng với số lượng nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm lỗi nhập lại theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 113 Thông tư 194/2010/TT-BTC.

Đối với lượng sản phẩm lỗi nhập khẩu (có nguồn gốc từ nguyên liệu sản xuất xuất khẩu) để tiêu thụ nội địa: thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thì thời điểm tính thuế, phải chậm nộp là thời điểm đăng ký tờ khai tạm nhập sửa chữa tái chế.