Hướng dẫn thủ tục thực hiện hủy tờ khai hải quan


(Tài chính) Financeplus.vn tổng hợp các câu hỏi đáp hướng dẫn doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục hủy tờ khai hải quan sau thông quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Câu 1. (Công ty Panasonic Industriall Devices Vietnam c.lt)

1. Hủy tờ khai sau thông quan

Chúng tôi có 01 tờ khai mua hàng nội địa, sau khi thông quan mới phát hiện tờ khai sai loại hình (vẫn trong thời gian 60 ngày) chúng tôi có gửi công văn cho Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long xin hủy tờ khai sai ngày để mở tờ khai mới do quy định là tờ khai sau thông quan không được sửa. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long trả lời không được hủy/sửa tờ khai này - Hướng xử lý ra sao?

2. Việc điều chỉnh định mức được phép thực hiện trước khi DN nộp hồ sơ hoàn thuế, thu thuế với DN sản xuất có phải là thời điểm nộp hồ sơ thanh toán, quyết toán nguyên phụ liệu? Nếu đúng, tức là phải điều chỉnh trước ngày 15 của tháng tiếp sau mỗi quý là quá ngắn, DN không đủ thời gian điều chỉnh định mức và hoàn thiện báo cáo quyết toán nguyên phụ liệu. Đề nghị cho phép thời gian dài hơn trong vòng 30 ngày.

3. Báo cáo hàng tiêu dùng: với các DN nằm ngoài khu chế xuất cần báo cáo lượng nhập trong kỳ. Trong dữ liệu khai báo hải quan đã có đủ, vậy vẫn yêu cầu DN báo cáo liệu có cần thiết không?

4. Việc điều chỉnh định mức có được thực hiện theo từng quý cho cùng 1 mã sản phẩm xuất khẩu không? Khi điều chỉnh có ảnh hưởng tới kết quả tờ khai quý trước không.

- Quý 1 định mức có tỷ lệ hao hụt cao do tay nghề công nhân kém.

- Quý 2 do tay nghề công nhân nâng cao, cải tiến kỹ thuật, tỷ lệ hao hụt thấp giảm điều chỉnh lần 1. Tuy nhiên Quý 3 vẫn cần điều chỉnh thấp hơn nữa cho đúng thực tế. Nếu không được điều chỉnh từ Quý 3 thì kết quả quyết toán nguyên phụ liệu có thể bị âm. Còn nếu được điều chỉnh mà phải làm lại quyết toán nguyên phụ liệu quý 1 và 2 - tồn cũng không chính xác nữa.

Đề nghị được điều chỉnh định mức theo từng quý cho cùng 1 mã không phải làm lại báo cáo quyết toán các quy tắc đó.

Trả lời

1. Việc hủy tờ khai sau khi thông quan:

- Hủy tờ khai  để thay tờ khai hải quan mới thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 128/2013/TT-BTC. Theo đó, thời điểm thay tờ khai hải quan phải thực hiện trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc trước thời điểm miễn kiểm tra thực tế. Do vậy, hàng hóa đã thông quan không được hủy tờ khai hải quan.

- Việc sửa chữa tờ khai, khai bổ sung thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

2. Việc điều chỉnh định mức, đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

3. Báo cáo hàng tiêu dùng: Theo quy định tại khoản 4, Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

4. Việc điều chỉnh định mức, đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Thông tư số 128/2013/TT-BTC; trường hợp cùng một loại nguyên liệu, DN muốn thay đổi theo quý thì thực hiện việc đăng ký mã nguyên liệu khác nhau cho mỗi quý.

Câu 2. (Công ty TNHH KAI Việt Nam)

1. Về cách tính định mức (theo Điều 37 Thông tư 128/2013/TT-BTC)

Công ty chúng tôi sản xuất lưỡi dao qua 2 công đoạn "dập hình" và "mài"

- Dập hình: 1 thanh thép 3 kg dập được 10 lưỡi dao, mỗi lưỡi dao nặng 0,2kg.

- Mài: Lưỡi dao sau khi dập hình được mang đi mài. Lưỡi dao sau mài nặng 0,15kg.

Như vậy, "Định mức nguyên liệu sử dụng" của thép cho 1 lưỡi dao là 0,5 kg hay 0,15 kg?

2. Khi xử lý linh phụ kiện, hàng tiêu dùng bị hỏng. Đối với tài sản cố định, khi hết khấu hao thì làm thủ tục thanh lý. Còn đối với hàng tiêu dùng như linh kiện, bộ phận nhập về để thay thế, sửa chữa máy móc sau khi bị hỏng trở thành phế liệu thì thủ tục hải quan phải xử lý như thế nào?

 3. Mã nguyên phụ liệu nhập khẩu:

Chúng tôi nhập các loại thùng carton về để đóng gói cho các loại sản phẩm khác nhau. Chúng tôi khai hải quan tất cả các loại thùng carton này cùng 1 mã nguyên phụ kiện có được không?

4. Theo điểm 4 điều 49 Thông tư 128/2013/TT-BTC, DN chế xuất nằm ngoài khu chế xuất thì hàng quý, DN chế xuất nộp báo cáo tổng lượng hàng hóa tiêu dùng được nhập khẩu mua từ nội địa.

Như vậy, số lượng hàng hóa nhập về đã khai báo với hải quan bằng các tờ khai trong quý thì việc tổng hợp báo cáo hàng quý này có cần thiết không? (Vì trên dữ liệu hệ thống của Hải quan đã có rồi).

5. Xuất nhập khẩu tại chỗ

Điều 15 Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định xuất trước nhập sau và không nói thay thế Thông tư 196/2012/TT-BTC.

Theo Thông tư 196/2012/TT-BTC thì quy định nhập trước xuất sau. Như vậy, có sự mâu thuẫn về thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ đối với DN áp dụng hải quan điện tử.

Kính mong có văn bản hướng dẫn thủ tục hải quan đối với loại hình này.

6. Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức

DN báo cáo thanh khoản theo quý. Tỷ lệ hao hụt nguyên phụ liệu đã khai báo trước khi xuất khẩu thấp hơn thực tế nên lượng phế liệu, phế phẩm bán ra và mở tờ khai hải quan nhiều hơn so với báo cáo thanh khoản ở thời điểm quý 1/2013

Hỏi: DN có thể điều chỉnh chênh lệch này vào các quý sau bằng cách tăng tỷ lệ hao hụt sản phẩm xuất khẩu lên không?

Trả lời

1. Về cách tính định mức: Công thức tính định mức: Đc= Đs+Đs x H

Theo đó, Đc là định mức bao gồm cả tỷ lệ hao hụt; Đs là định mức cấu thành trên sản phẩm xuất khẩu; H là tỷ lệ phần trăm (%) hao hụt tính theo lượng hao hụt trên định mức sử dụng cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu

Theo quy định tại Điều 37 Thông tư 128/2013/TT-BTC và khoản 6 Điều 1 Thông tư 117/2011/TT-BTC thì định mức sử dụng trong ví dụ của Công ty nên sẽ là 0,15kg

Đề nghị Công ty căn cứ công thức tính định mức này để thực hiện.

2. Đối với linh kiện, phụ kiện hỏng trở thành phế liệu thì DN thực hiện thủ tục tiêu hủy theo quy định tại điểm h, khoản 3, Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

3. Khai mã nguyên phụ liệu nhập khẩu: Việc khai báo nguyên phụ liệu thực hiện đối với từng nguyên phụ liệu riêng.

4. Theo quy định tại khoản 4, Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC thì đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu hoặc mua từ nội địa, DN chế xuất (DNCX) nằm ngoài KCX vẫn phải nộp báo cáo tổng lượng hàng hóa tiêu dùng theo quý. Do vậy, DNCX nằm ngoài KCX phải thực hiện khai với cơ quan Hải quan.

5. Thủ tục hải quan đối với loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ:

Thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 6501/TCHQ-GSQL ngày 01/11/2013 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, nếu thực hiện theo thủ tục hải quan điện tử thì thực hiện theo qui định tại Điều 47 Thông tư số 196/2012/TT-BTC; nếu thực hiện thủ tục truyền thống thì thực hiện theo qui định tại điều 45 Thông tư số 128/2013/TT-BTC

6. Việc điều chỉnh định mức (tỷ lệ hao hụt nguyên phụ liệu):

Khoản 4, Điều 37 Thông tư số 128/2013/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể thủ tục điều chỉnh định mức. Đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn này để thực hiện.

Câu 3. (Công ty TNHH Panasonic VietNam, Công ty sản xuất & lắp ráp ô tô Trường Hải – Kia, Hiệp hội VASEP, Công ty Canon Việt Nam)

1. Điều 27 trong Thông tư 128/2013/TT-BTC đưa hàng về bảo quản có điểm chưa hợp lý:

Theo điều 27(b) hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng:

b.1) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai quyết định cho người khai hải quan đưa hàng về bảo quản tại các địa điểm sau:

b.1.1.) Cửa khẩu hàng hóa nhập khẩu

b.1.2.) Cảng nội địa (ICD), kho ngoại quan hoặc địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan trong trường hợp người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng về bảo quản và được cơ quan kiểm tra chuyên ngành chấp nhận.

Như vậy DN không được mang hàng về kho của DN bảo quản như trước đây mà phải đưa hàng về địa điểm cảng nội địa, kho ngoại quan hoặc địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan.

Điều này cực kỳ gây khó khăn cho DN bởi vì chúng tôi lại mất thêm thời gian làm thủ tục của Chi cục Hải quan giám sát những địa điểm trên, mất chi phí vận tải từ cảng về địa điểm trên, ngoài ra chúng tôi phải chịu thêm phí lưu kho bãi không đáng có do phải thuê địa điểm chứa hàng trong thời gian chờ cơ quan kiểm tra chuyên ngành ra kết quả (ít nhất là 15 ngày kể từ khi lấy mẫu kiểm định). Còn nếu để hàng tại cửa khẩu trong thời gian chờ kết quả kiểm tra thì chúng tôi phải mất thêm chi phí 1 container tại cảng.

Vì vậy công ty chúng tôi kiến nghị các cấp lãnh đạo xem xét để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm thủ tục hải quan.

2. Điều 27 quy định với hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng chỉ được phép đưa về kho ngoại quan, ICD và các địa điểm kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu. Vậy việc nhập khẩu ô tô, hàng chỉ bán được khi cơ quan Hải quan xác nhận tờ khai nguồn gốc thì DN có được phép đưa hàng về kho của DN bảo quản như trước đây hay không hay vẫn phải thực hiện theo quy định tại Điều 27.

3. Đối với hàng phải kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm chỉ được phép đưa về kho ngoại quan, ICD và các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Trường hợp được cơ quan kiểm tra chuyên ngành đề nghị đưa về để kiểm tra thì phải chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa cho đến khi thông quan. Việc đề nghị phải có văn bản và phải chịu giám sát của hai cơ quan gây khó khăn cho DN.

Đối với hàng DN được phép đưa về kho DN để kiểm tra theo quy định tại Điều 27 đã giao cho cơ quan chuyên ngành thì có cần phải báo với Chi cục Hải quan nơi DN đóng không?

Hiện nay các Cục Hải quan địa phương đang hướng dẫn DN chỉ được phép đưa hàng về kho ngoại quan, ICD, địa điểm kiểm tra tại cửa khẩu mà không được đưa về kho của DN như trước đây. Khi đã có biên bản bàn giao cho chuyên ngành rồi có cần phải thêm cơ quan Hải quan giám sát không?

4. Công ty chúng tôi đã có giấy phép công nhận là chân công trình đáp ứng được việc kiểm tra hàng hoá thực tế, với quy định trên công ty chúng tôi có được di chuyển hàng về địa điểm kiểm tra tại chân  công trình không?

5. Khi DN làm thủ tục nhập khẩu hàng qua cửa khẩu Cầu Treo, DN chỉ có thể đề nghị kiểm tra tại cửa khẩu Cầu Treo vì Hà Tĩnh không có ICD, kho ngoại quan, địa điểm kiểm tra tập trung hay đưa hàng về địa điểm kiểm tra theo đề nghị của cơ quan chuyên ngành. Hiện nay, cửa khẩu Cầu Treo đang trong giai đoạn xây dựng, không có kho bãi để lưu giữ và bảo quản hàng hóa. Mặt khác, thời gian để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận chất lượng khoảng từ 12 đến 30 ngày. Do đó, nếu lưu giữ hàng tại cửa khẩu để phục vụ công tác kiểm tra sẽ không đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho hàng hóa và phát sinh nhiều chi phí cho DN.

Trả lời

Liên quan tới việc giải quyết vướng mắc, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành có yêu cầu đưa về bảo quản, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 15269/BTC-TCHQ ngày 07/11/2013 và công văn số 15605/BTC-TCHQ ngày 13/11/2013 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để hướng dẫn thực hiện Điều 27 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.

Do đó, đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn tại 02 công văn dẫn trên để thực hiện.