Kinh phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được trích không quá 2%

PV.

Bộ Tài chính giải đáp thư hỏi của độc giả Nguyễn Hoàng Thắng (Cần Thơ) về lập dự toán, sử dụng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hỏi: UBND TP. Cần Thơ giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư 01 dự án, và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ký Hợp đồng với tổ chức quỹ đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được địa phương phê duyệt theo Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng sau đó địa phương chỉ đạo trích lại một phần kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Ban Quản lý dự án để làm chi phí ban quản lý dự án. Việc trích lại kinh phí cho BQLDA như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có hướng dẫn như sau:

1. Về kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

- Tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định:

“Điều 31. Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

2. Kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án. Đối với các dự án thực hiện trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến hoặc trường hợp phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm thì tổ chức được giao thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được lập dự toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo khối lượng công việc thực tế, không khống chế mức trích 2%.

Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng dự án theo quy định của pháp luật”.

- Tại điểm c, khoản 2, Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định:

Điều 32. Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

 2. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án được quy định như sau:

a) Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án đầu tư;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.

- Tại Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định nguồn và mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất:

“Điều 3. Nguồn và mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án; trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án theo khối lượng công việc thực tế và mức trích không khống chế tỷ lệ 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án.

3. Căn cứ mức kinh phí được trích cụ thể của từng dự án, tiểu dự án, Tổ chức làm nhiệm bồi thường xác định kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất không quá 10% kinh phí quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này để tổng hợp vào dự toán chung.

4. Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, Sở Tài chính trình Ủy ban ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức trích cụ thể và tỷ lệ kinh phí dự phòng cho phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của dự án, tiểu dự án.

5. Trường hợp tại địa phương có thành lập Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, trên cơ sở nhiệm vụ công tác của Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể tỷ lệ phân chia kinh phí sử dụng cho hoạt động của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh cho phù hợp.

6. Trường hợp thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện các dịch vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kinh phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ nằm trong dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

2. Căn cứ vào các quy định nêu trên:

a) Trường hợp UBND TP. Cần Thơ giao: Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư 01 dự án để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; Theo đó:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể tỷ lệ phân chia kinh phí sử dụng cho hoạt động của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh cho phù hợp (theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Cụ thể: Mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án (đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính); Không khống chế tỷ lệ 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư (đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính).

b) Trường hợp UBND TP. Cần Thơ cho phép Ban QLDA đầu tư xây dựng TP làm chủ đầu tư dự án thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời làm nhiệm vụ tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; sau đó Ban QLDA đầu tư xây dựng TP đã ký Hợp đồng với (Tổ chức quỹ đất) để tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho DA theo quy định tại điểm a nêu trên được chi trả cho các đơn vị tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (trường hợp này là Ban QLDA đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ, đơn vị được UBND TP Cần Thơ giao nhiệm vụ).

Trường hợp, Ban  QLDA thuê Tổ chức quỹ đất thực hiện các dịch vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Ban QLDA thanh toán cho Tổ chức quỹ đất (đơn vị cung cấp dịch vụ) theo phân chia công việc tại Hợp đồng với Tổ chức quỹ đất (khoản kinh phí này nằm trong kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt) theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.