Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô nội: Cân nhắc cam kết WTO

Theo Hồng Vân/baohaiquan.vn

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Công ty CP Tập đoàn Thành Công trả lời một số đề xuất của doanh nghiệp này về một số giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc bãi bỏ thuế TTĐB phần giá trị sản xuất trong nước cho ô tô và giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất linh kiện ô tô trong nước.

Thuế nhập giảm, khó cho sản xuất trong nước

Nhìn vào thực tế hiện nay, Việt Nam đã tham gia khá nhiều Hiệp định thương mại tự do khác nhau. Trong đó, có thể kể đến một số Hiệp định thương mại tự do tiêu biểu có tác động tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như: AFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN), VJEPA (Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Nhật Bản), VKFTA (Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc), ACFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc),...

Tuy nhiên, xét về ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường ô tô trong nước, có thể rõ nhất là Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) với việc đưa các dòng thuế nhập khẩu ô tô về 0% trong năm 2018 dẫn đến cơ hội giảm giá bán là khá cao.

Theo phân tích của lãnh đạo Thành Công tại cuộc tổng kết ngành Công Thương tổ chức giữa tháng 1/2018, việc giảm thuế theo các FTA còn mang đến những khó khăn trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước đòi hỏi mức đầu tư và sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Trong khi đó, nền tảng sản xuất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại ở mức lắp ráp CKD đơn giản, hoặc sản xuất các linh kiện còn ở quy mô rất nhỏ, rời rạc. Đó là những áp lực khá lớn cho các ngành sản xuất trong nước.

Do vậy, Thành Công và Bộ Công Thương đều đưa ra kiến nghị miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia,... hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra (mức giá bán cạnh tranh).

Cùng với đó là kiến nghị miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Giải pháp này sẽ góp phần thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước.

Báo cáo cấp trên xem xét

Hồi đáp kiến nghị này, văn bản do bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính ký nêu: Thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật thuế và dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi 6 Luật về thuế.

Bộ Tài chính cũng đã nhận được công văn của Bộ Công Thương về đề xuất sửa đổi chính sách thuế TTĐB như kiến nghị trước đó mà Thành Công đưa ra.

Tuy nhiên, trong thời gian xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung, cũng có ý kiến cho rằng nếu việc sửa đổi quy định là miễn thuế TTĐB cho phần giá trị trong nước, áp dụng đối với sản phẩm ô tô có thể sẽ vi phạm cam kết của WTO. Vì thế, Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến của của Thành Công và Bộ Công Thương để phối hợp với các bộ, ngành liên quan có nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam, Bộ Tài chính dẫn chiếu các quy định hiện hành của pháp luật như Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13,... để khẳng định rằng các ưu đãi cho dự án, DN sản xuất và sản phẩm đã có sẵn.

Còn về thuế suất, trong giai đoạn 2018 - 2025, 10 FTA mà Việt Nam ký kết, bước vào giai đoạn cắt giảm thuế nhập khẩu mạnh (cơ bản về 0%), trong đó mức thuế suất về 0% đối với linh kiện ô tô sẽ áp dụng ở ATIGA (Việt Nam - ASEAN), ACFTA (Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc).

Tuy nhiên, thẩm quyền quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu thuộc Chính phủ nên Bộ Tài chính đã đề nghị Thành Công cung cấp chi tiết danh mục các nguyên, vật liệu trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất linh kiện để cơ quan này phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu phương án xử lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.