Một số hướng dẫn khi thực hiện quyết toán thuế Thu nhập cá nhân

Theo vtca.vn

(Tài chính) FinancePlus.vn tổng hợp một số tài liệu dưới dạng hỏi - đáp về các vướng mắc khi thực hiện thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) của người dân theo quy định mới của Chính phủ.

Câu 1: Ngày 24/7/2013 tôi có ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất duy nhất của chúng tôi ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội cho cá nhân khác. Đồng thời, tôi đã đóng thuế TNCN cho khoản thu nhập từ hợp đồng chuyển nhượng này; Phòng công chứng số 3 TP. Hà Nội – Sở Tư pháp đã công chứng; Cơ quan đăng ký Nhà đất huyện Từ Liêm đã tiếp nhận hồ sơ và đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân được chuyển nhượng.

Nay tôi được biết theo Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ - CP ngày 27/6/2013 có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 “Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam” thuộc diện miễn thuế TNCN.

Và theo Điều 3 mục 1b của thông tư số111/2013/TT –BTC ngày 15/8/2013 hướng dẫn thực hiện luật thuế TNCN cũng nêu rõ khoản thu nhập từ chuyển nhượng này thuộc diện miễn thuế TNCN. Vậy tôi muốn hỏi  như sau: 1. Số thuế TNCN mà tôi đã nộp có được hoàn trả lại không? 2. Thủ tục, hồ sơ như thế nào để được hoàn trả?

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho cá nhân có thể được cải thiện về nhà ở, Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 tại khoản 2, điều 4 đã có quy định miễn thuế đối với: “ 2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất. “Quy định này  đã được hướng dẫn rõ ràng tại  Nghị định số 100/2008 của Chính phủ, Thông tư số 84/2008 của Bộ Tài chính; Nghị định số 65/2013 và Thông tư số 111/2013 mà Bạn đọc trích dẫn trong thư hỏi có kế thừa các quy định cũ.

Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định rõ người nộp thuế chịu trách nhiệm tự tính, tự khai, tự nộp thuế theo mẫu quy định.

Với trường hợp của Bạn, sau khi đã nộp thuế xong rồi mới phát hiện ra rằng mình quên mất đã không thực hiện quyền được miễn thuế, nay mới phát hiện ra việc nhầm lẫn này. Theo quy định của pháp luật về quản lý thuế thì trong thời hạn còn hiệu lực, người nộp thuế phát hiện sai sót về thuế đều có quyền đề nghị xác định lại, nếu thuộc diện được miễn thuế thì có quyền đề nghị cơ quan thuế xem xét hoàn lại số thuế đã nộp.

Bạn đọc vui lòng tìm hiểu thêm Luật Quản lý thuế, Nghị định số 83, Thông tư số 156 (nội dung quy định về trường hợp phát hiện khai sai sót/nhầm lẫn về số thuế phải nộp); đồng thời tự kiểm tra lại các điều kiện cụ thể của mình tại Thông tư số 111 để xác định chắc chắn nếu thuộc diện miễn thuế thì có đơn đề nghị đến Chi cục Thuế nơi Bạn đã nộp để được giải quyết theo quy định.

Câu 2: Đơn vị chúng tôi có khúc mắc khi quyết toán thuế năm 2013 về vấn đề sau: Ông A (người Nhật) là giám đốc đơn vị từ 1/2013 đến nay, nhưng sang Việt Nam sống từ tháng 5/2013 đến nay. Từ tháng 1/2013 đến ngày 4/2013 ông A chỉ nhận lương tại Nhật; từ 5/2013 đến nay nhận lương tại cả Nhật và Việt Nam đồng thời ông A có 3 con dưới 18 tuổi đang đi học và đã khai báo giảm trừ từ tháng 5/2013. Vậy khi quyết toán thuế TNCN năm 2013 thì tổng mức giảm trừ gia cảnh (cá nhân và người phụ thuộc ) của ông A là=( 4,000,000*6+9,000,000*6)+(1,600,000*3*2+3,600,000*3*6)=152,400,000 VND. Hay = ( 4,000,000*6+9,000,000*6)+(1,600,000*3*6+3,600,000*3*6)=171,600,000 VN?

Thông tư số 111/2013, Thông tư số 156/2013 cho phép người nộp thuế được khai bổ sung, khai điều chỉnh vào bất cứ thời điểm nào khi phát hiện ra sai sót, trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra/kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Bởi vậy, cá nhân có quyền khai việc giảm trừ gia cảnh trong trường hợp này, ít nhất cũng trước ngày 31/3 và dài nhất là trước thời điểm công bố Quyết định của cơ quan thuế.

Đối với ông A người Nhật Bản, con của họ nuôi là trọn năm, các tháng đầu năm họ nhận thu nhập tại Nhật và phải mang cả số thu nhập này vào bảng khai thuế để tính nộp theo Biểu thuế của ta, cho nên họ khai giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (3 con) từ 01/01 đến 31/12 cũng là hợp đạo lý và phù hợp về pháp lý.

Do vậy việc khai giảm trừ gia cảnh mà bạn hỏi theo các tính đúng là:

( 4,000,000*6+9,000,000*6) +(1,600,000*3*6+3,600,000 *3*6)=171,600,000 VND

Câu 3: Tôi đã đọc Thông tư 111/2013/TT-BTC nhưng có một số điều chưa rõ lắm mong giải đáp thắc mắc giúp cho tôi: 1)Tôi làm việc cho 3 công ty A, B, C tất cả đều ký hợp đồng lao động dài hạn 24 tháng. Riêng tại Công ty A tôi có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Mức thu nhập hàng tháng tại 3 công ty là 6 triệu VND. Sau khi trừ BHXH, giảm trừ gia cảnh cho 2 đứa con thì thu nhập của tôi chưa được 4 triệu VND. Tại Công ty B và C khi trả lương tháng cho tôi họ nói sẽ thu lại 10% nhưng theo tôi hiểu thì tôi chỉ bị thu theo bậc luỹ tiến (theo điểm b1 khoản 1 điều 25 TT111) như vậy có đúng không? 2) Công ty A tôi làm việc là Công ty xây dựng. Hàng tháng có thuê lao động thời vụ có người chỉ làm vài ngày rồi nghĩ, tháng khác lại làm vài ngày. Trong số này có một số đưa chứng minh nhân dân để Công ty đăng ký mã số thuế (MST), số khác thì không vì họ nói chỉ làm vài ngày không cần ký hợp đồng lao động cũng không cần đăng ký MST. Theo điểm i) khoản 1 điều 25 Thông tư 111 thì những người nay nếu công ty tôi chi trả 1 lần dưới 2 triệu VND (trong tháng có thể chi 2 lần) thì không cần khấu trừ 10% mặc dù có MST hay không có MST.

1- Bạn đang hiểu sai rồi, những người tại công ty B và C đang hiểu đúng quy định. Bạn chọn công ty A nơi đóng BHXH là nơi khai giảm trừ gia cảnh nên A sẽ khấu trừ thuế theo giảm trừ gia cảnh, còn B và C sẽ khấu trừ 10%. Cuối năm cả A, B và C đều phải cấp cho bạn chứng từ khấu trừ thuế TNCN (mẫu số CTT56) và Bạn phải tự khai quyết toán thuế (vì bạn có thu nhập từ 3 nơi). Nếu Bạn chọn A là nơi bạn uỷ quyền quyết toán thuế thì các chứng từ khấu trừ do B và C cấp bạn phải nộp cho công ty A. Khi tổng hợp quyết toán thì mới cộng thu nhập của 3 nơi, tính giảm trừ gia cảnh rồi tính ra số thuế phải nộp. Sau đó, so với số thuế đã nộp do B và C khấu trừ thì ra số thuế bạn được hoàn lại hoặc nộp thêm (trường hợp của bạn là được hoàn lại). 

2- Việc khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% với những thu nhập từ 2 triệu VND/lần được áp dụng từ 01/07/2013. Việc cá nhân có CMND để công ty A làm mã số thuế và ghi vào hợp đồng tuy không ảnh hưởng đến thuế TNCN bị khấu trừ nhưng giúp cho công ty A có cơ sở chắc chắn hơn khi bảo vệ chi phí tiền lương khi xác định chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế.

Câu 4: Trường hợp tôi đã nghỉ hưu nhưng có ký hợp đồng làm thêm với 1 số nơi - các nơi có thu nhập đều khấu trừ thuế TNCN 10% trước khi trả thu nhập và đều đã đưa hóa đơn khấu trừ thuế cho tôi. Tôi không có nhu cầu hoàn thuế TNCN. Tôi ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm quá 10 triệu VND  (đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%, đều đã đưa chứng từ khấu trừ thuế) và sau khi tự tính toán đã nhận thấy mình có số thuế phải nộp thêm.

Vậy tôi có cần phải tự quyết toán thuế TNCN không? 

Căn cứ khoản 1.1, Điều 1, mục II, CV 336/TCT- TNCN  ngày 24 tháng 01 năm 2014 về hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2013  thì:

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu VND đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% hoặc 20% nếu cá nhân không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì được ủy quyền quyết toán tại tổ chức trả thu nhập ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên. Nếu cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.

Căn cứ tiết c, khoản 2, Điều 26. Khai thuế, quyết toán thuế, TT 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 08 năm 2013 thì:

c) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ các trường hợp sau:

c.1) Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.

c.2) Cá nhân, hộ kinh doanh chỉ có một nguồn thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán.

c.3) Cá nhân, hộ gia đình chỉ có thu nhập từ việc cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất đã thực hiện nộp thuế theo kê khai tại nơi có nhà, quyền sử dụng đất cho thuê.

c.4) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu VND đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

……..

Trường hợp bạn có thu nhập từ hai nơi trở lên, thì theo các quy định nêu trên, bạn phải tự làm quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan Thuế địa phương.

Câu 5: “Tại Thông tư sô 111/2013/TT-BTC  (Mục c.2.3, Tiết c.2, Điểm c, Khoản 1, Điều 9) quy định về việc giảm trừ gia cảnh. Vậy, nếu tôi kê khai đăng ký người phụ thuộc tại thời điểm tháng 10/2013, nhưng nghĩa vụ nuôi dưỡng thì bắt đầu từ tháng 05/2013 (theo Giấy khai sinh, là con ruột) thì khi quyết toán thuế TNCN năm 2013 tôi được giảm trừ từ tháng 5/2013 hay tháng 10/2013?”

Điểm c.2 khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 hướng dẫn về thuế TNCN quy định: Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Căn cứ quy định nêu trên anh/chị được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ khi đăng ký và khi quyết toán thuế anh/chị được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Câu 6: Em đang là công nhân thời vụ cho 1 công ty liên doanh. Mỗi tháng em chỉ có thu nhập là 2.000.000đồng. Công ty yêu cầu em phải đóng thuế thu nhập cá nhân hàng tháng là 10% tương đương là 200.000đồng. Em xin hỏi điều đó có đúng với bộ luât lao động hiện hành hay không?

Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN quy định:

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại Điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.