Phân loại trước đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Đức

Theo Hải quan Việt Nam

(Tài chính) Liên quan đến vướng mắc của Công ty BiTraCon Trade & Consult GbR về việc phân loại trước đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Đức, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 2680/TCHQ-TXNK ngày 20/5/2013 trả lời doanh nghiệp này.

Phân loại trước đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Đức
Tất cả các văn bản gửi cơ quan nhà nước Việt Nam phải bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Nguồn: Internet
Theo đó, công văn của Tổng cục Hải quan cho biết:

Tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có quy định về các trường hợp thực hiện phân loại trước, hồ sơ phân loại trước, thẩm quyền và thủ tục phân loại trước khi hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, hồ sơ phân loại trước gồm:

1. Một bản chính Phiếu đề nghị phân loại trước, trong đó mô tả chi tiết hàng hóa yêu cầu phân loại trước và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu mô tả chi tiết hàng hóa và cung cấp các tài liệu kèm theo yêu cầu phân loại trước không đúng với hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư số 49/2010/TT-BTC);

2. Một bản chính Tài liệu kỹ thuật, hình ảnh, catalogue hàng hóa. Trường hợp là bản sao phải có dấu sao y bản chính;

3. Mẫu hàng hóa (nếu có)

4. Một bản chính các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần phân loại trước. Trường hợp là bản sao phải có dấu sao y bản chính;

Các giấy tờ, tài liệu nêu tại mục 1,2,3,4 nêu trên phải là bản tiếng Việt hoặc bản tiếng Anh, nếu là ngôn ngữ khác thì người khai hải quan phải nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch.

5. Một bản chính Bảng kê danh mục tài liệu của hồ sơ.

Việc cung cấp đầy đủ hồ sơ phân loại trước là bắt buộc theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam và theo đúng chuẩn mực của Tổ chức Hải quan Thế giới.

Theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả các văn bản gửi cơ quan nhà nước Việt Nam phải bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Trường hợp văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch được công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự để đảm bảo người tiếp nhận văn bản đó hiểu đúng nội dung được diễn đạt trong văn bản. Cũng tương tự như vậy đối với văn bản do các cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành.