Phí bản quyền phụ tùng xe máy, động cơ nhập khẩu?

PV.

(Tài chính) Trả lời công văn số VSFN 13-014 ngày 14/06/2013 của Công ty TNHH Chế tạo Công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (Khóm 5, Phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) về vấn đề hướng dẫn khoản phí bản quyền có là khoản điều chỉnh công vào trị giá tính thuế của phụ tùng xe máy và phụ tùng động cơ nhập khẩu hay không, mới đây, Tổng cục Hải quan có văn bản số 3539/TCHQ-TXNK hướng dẫn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, văn bản số 3539/TCHQ-TXNK ngày 26/06/2013 của Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại tiết đ 1, điểm đ, khoản 2, mục VII, phần II Thông tư số 40/2008/TT-BTC ngày 21/05/2008 của Bộ Tài chính (nay là tiết 1.2.5.1, điểm 1.2.5, khoản 1, Điều 14 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010) thì phí bản quyền phải cộng vào trị giá tính thuế hàng nhập khẩu nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:

Thứ nhất, phải được trả cho việc sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hoá nhập khẩu đang được xác định trị giá tính thuế.

Điều kiện đầu tiên để cộng phí bản quyền vào trị giá tính thuế hàng nhập khẩu là phải liên quan đến chính hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá tính thuế. Ví dụ: hàng hóa nhập khẩu là động cơ, linh kiện, bộ phận, phụ tùng đó.

Thứ hai, do người mua phải trả trực tiếp hay gián tiếp, như một điều kiện cho giao dịch bán hàng hoá đang được xác định trị giá tính thuế, có nghĩa là người mua hàng trả phí bản quyền, phí giấy phép như một phần trong hoạt động mua bán hàng hoá nhập khẩu.

Điều kiện thứ hai này xác định khoản phí bản quyền phải trả là điều kiện ràng buộc để có được giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá

Thứ ba, chưa được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán của hàng hoá nhập khẩu đang được xác định trị giá tính thuế.

Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1, mục VII, phần II Thông tư số 40/2008/TT-BTC ngày 21/05/208 của Bộ Tài chính (nay là điểm 1.1, khoản 1, Điều 14 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010) thì một trong 3 điều kiện để điều chỉnh cộng là phải có số liệu khách quan, định lượng được phù hợp với các chứng từ hợp pháp có liên quan.

Trường hợp lô hàng nhập khẩu có các khoản điều chỉnh phải cộng nhưng không có số liệu khách quan, định lượng được để xác định trị giá tính thuế thì không xác định theo trị giá giao dịch và phải chuyển sang phương pháp xác định trị giá tính thuế tiếp theo.

Như vậy, Công ty TNHH Chế tạo Công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP) có thể căn cứ vào hồ sơ cụ thể, đối chiếu với các hướng dẫn nêu trên để khai báo, thực hiện đúng quy định.